Những biến cố dồn dập xảy đến, tin tức từ khắp nơi bay về, biến cố đang diễn ra dường như có gì đó không ổn! Linh phụ có linh cảm về những ngày khó khăn và đen tối sắp đến. Ngài viết trong nhật ký các buổi họp: “Những biến cố lớn lao sắp đảo lộn thế giới, ta đã sẵn sàng với mọi sự xảy ra, dầu phải sống kín ẩn, và cả không có cha chưa?”
“Cộng Đoàn được sinh ra từ Thập giá Chúa Giêsu hầu thực hiện lễ Hiện Xuống mới của tình yêu... trong lòng Giáo Hội. Các Cộng Đoàn Bác Ái được sinh ra trên Thập giá. Suốt bao năm qua chị Marthe đã được kết hợp với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu...”
"Phải cầu nguyện và dâng hiến bản thân mình làm lễ toàn thiêu liên lỉ.” (văn bản sáng lập)
Thật vậy, trên khắp mọi nẻo đường đất nước, các biến cố xảy ra dồn dập và đau thương. Cha gọi Goretti cho biết tin: Đêm Chúa Nhật đường Sàigòn - Đà Lạt đã bị hạn chế, cho nên, sáng Thứ Hai phải cho ông Tri và thợ, cả bà Châu (một người đang tĩnh tâm) rời khỏi Foyer ngay sáng mai.
Sắp xếp để ba anh chị Thụy Sĩ là Yolanda, Bernard và Charly về Sài Gòn và mỗi người đều mang theo cờ trắng. Họ đã ở Cộng đoàn Bác ái hơn 6 tháng. Khi đi họ rất xúc động và buồn. Tạ ơn Chúa vì họ đã đến nơi an toàn.
Ngày 25/03, Lễ Truyền Tin năm ấy diễn ra trong bầu không khí linh thiêng, âm thầm và rất cảm động. Cha nhận lời tuyên hứa của các chị: Agathe, Monique, Marguerite, Maria Goretti, Clara, Anasthasia. Những lời cam kết của các chị tràn ngập niềm xác tín và cảm xúc. Chưa bao giờ tinh thần tử đạo lại mạnh mẽ như vậy. Phải, hãy vác Thánh Giá, hãy bước đi trong hiên ngang, vì cuối cùng là chết để được về với Chúa.
Đoàn người di tản từ Bảo Lộc, Di Linh trên Quốc lộ 20 nối Sài Gòn - Đà Lạt, họ như đàn chiên không người chăn. Họ ngược trở lên Liên Khương, bọc ra lại Nha Trang, Phan Thiết, vòng về Sài Gòn bằng đủ loại phương tiện: xe hơi, xe gắn máy, xe đạp và nhiều nhất là đi bộ. Một cuộc di tản khổng lồ… Trên đường đi biết bao đồ đạc họ đành phải vất bỏ lại kể cả vật dụng quý giá. Cho tới giờ, chúng tôi vẫn không biết bằng cách nào họ đến được đích với con thơ đeo bên hông, với đồ đạc vắt trên người!
Công việc của Cộng Đoàn là nấu cơm cho họ ăn. Ban đầu còn cho mỗi người mỗi dĩa, sau đông quá, chúng tôi chỉ có vắt cơm và thêm đồ ăn đơn sơ cho họ. Nấu ngày nấu đêm, làm thịt thêm mấy con bò ốm yếu vì thiếu ăn. Linh Phụ đồng tình với chúng tôi trong sự phục vụ cho đồng bào của mình, những tiếng khóc than xé lòng vì lạc mất chồng, mất con, mất cha, mất mẹ. Linh phụ quyết định dâng Thánh Lễ mỗi ngày hai lần cho họ có cơ hội được tham dự và bình an hơn trong Chúa. Nhiều người vui mừng nói “Cha và các chị cho chúng con được cả phần xác lẫn phần hồn, chúng con có thêm sức mạnh để ra đi”.
Công trình này sẽ thành nơi trú ẩn cho những nổi khốn quẩn to lớn của con người (Bản văn Sáng lập ).
Trong đoàn người ra đi này đã có hai người lữ khách xin ở lại vĩnh viễn với Foyer đó là hai chị Nhiệm và Vụ.
Thế đó, từng đoàn, từng đoàn người ra đi, ngang qua Cộng đoàn Bác ái ăn uống, nghỉ ngơi và nhận thêm một suất ăn rồi lại ra đi…
Cộng Đoàn đón nhận anh Denis Huệ xin vào Foyer, một thành viên nam đã từng sống ở Cộng đoàn Bình Triệu một thời gian, có chị Thérèse Thực, chị Elisabeth Nở. Cộng Đoàn lúc này có 14 anh chị em: Agathe, Marguerite, Monique, Clara, Anasthasie, Goretti, Thérèse, Elisabeth, Agnès, hai chị em Nhiệm và Vụ, Catherine, cùng với hai anh Denis và Phêrô.
Hoàn cảnh khó khăn khiến chúng tôi lo lắng và hồi hộp. Tuy nhiên, linh phụ là người trấn an chúng tôi. Người bảo: “Lời kinh nguyện liên tục của mọi Cộng đoàn bác ái dành cho 2 Cộng đoàn bác ái Việt Nam Fatima và Di Linh chắc chắn là nguồn nghị lực và ân sủng”.
Cha bắt đầu chuẩn bị tinh thần cho con cái:
- Bài học Chúa Tử Nạn Thập Giá không thể tìm được trong sách dạy lẽ khôn ngoan nào.
- Thế giới phàn nàn vì đau khổ, nhưng đau khổ là phương tiện duy nhất để vào nơi sung mãn của Thiên Chúa.
Ngày ngày không còn tiếp đón những người đến tĩnh tâm cầu nguyện nên ngay cả linh phụ cũng cùng với các con đi lao động trồng lúa mì, khoai sắn.
Cha nói: “Cha là linh mục, nên mục đích của cha là được sát tế. Mục đích của các con , anh chị em trong gia đình là giữ cha ở giữa các con và duy trì sự hợp nhất vững bền”.
Thầy để lại bình an cho anh em. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi (Ga 14,27).
Ngày 15/09/1975, chị Goretti phải ra đi trước tiên. Một tuần sau, các anh chị và Cha De Reynies cũng bị buộc phải ra đi: Cha thì khoảng hai tuần, các chị hơn hai năm và các anh hơn 4 năm.
Cộng Đoàn bị phân tán. Họ gồm: các anh Denis Huệ và Phêrô Khánh, các chị Clara Nhiên, Agathe Vân, Agnès Nà, Elisabeth Nở, Marthe Nhiệm. Chúng tôi ra đi như lời Chúa nói trong Thánh Kinh: “… con sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn con đến nơi con chẳng muốn” (Mc 14,36).
Trong cơn cuồng phong Chúa vẫn chờ đó để dìu ta đi.
Chúng tôi nhớ lời chị Marthe: “Ôi lạy Đấng Cứu Thế. Chúa là Đấng nắm giữ linh hồn con và toàn thể con người của con. Xin hãy nhận lấy hy lễ mà mỗi giây phút và mỗi ngày con dâng lên Chúa trong thinh lặng”. Đức Bênêdictô XVI đã nói: “Ai tin thì không bao giờ cô độc”.
Đầu tháng 08/1977, sau nhiều lần làm việc và dàn xếp, chúng tôi cũng có thể trở về với gia đình. Gặp nhau bùi ngùi và đau đớn vì còn một số các anh chị chưa được trở về cùng lúc.
Sáng hôm sau, chúng tôi đã thu xếp mọi sự một cách bình tĩnh để chị em không nản chí, quan trọng nhất là đem những bài giảng của Linh phụ Finet và Linh phụ De Reynies càng nhiều càng tốt. Sau đó là thu xếp gặp gỡ chị em, gặp chung, gặp riêng, vì đó là điều quan trọng để giúp chị em không bị lung lạc và chúng tôi mừng vì đồng lòng tiếp tục đi con đường đã chọn.
Chúa không để ta chìm. Hãy tin và bước đi.
Chị Marthe của chúng tôi đã nói: “Đau khổ là trường học tốt nhất để học yêu thương chân thành”. Cộng Đoàn bấy giờ ngoài Agathe và Goretti Liên còn có các chị Monique Tịnh, Marguerite Thêu, Catherine Anh, Madeleine Vụ, Anasthasia Khẩn, Therese Huệ.
Con đừng run sợ, chính Ta muốn như thế… Chính Ta sẽ làm tất cả… Ta sẽ là Ánh sáng và Sức mạnh… Ta sẽ là Tình Yêu và Sự Sống trong mỗi linh hồn các con (Văn bản Sáng lập).
Ngày 16/10/1978, Hồng Y Karol Józef Wojtyła được bầu làm giáo hoàng.
Lời nói đầu tiên khi ra mắt dân chúng và lời ngài hay nói với giới trẻ là “Đừng sợ!”