WHĐ (03.02.2024) – Chúng ta phải tập thói quen cầu nguyện mọi nơi, mọi lúc. Nơi thực sự để cầu nguyện là linh hồn, vì Chúa ngự ở đó. Nếu chúng ta muốn vâng theo lời khuyên dạy của Chúa, thì khi cầu nguyện, chúng ta nên vào sâu trong linh hồn, đóng cửa lại và thưa chuyện với Chúa Cha, đôi mắt yêu thương của Ngài luôn tìm kiếm đôi mắt của chúng ta. Căn phòng linh hồn sâu kín của chúng ta là đền thờ đích thực, là nơi tôn nghiêm thánh thiêng, và chúng ta mang đền thờ đó theo bên mình và có thể ở lại đó bất cứ lúc nào hoặc nếu chúng ta buộc phải rời bỏ đền thờ đó, chúng ta có thể nhanh chóng quay trở lại đó.
Và chúng ta phải biến đền thờ đó thành một nơi thực sự sạch đẹp và không tì vết. Tất nhiên, vẻ đẹp thực sự của đền thờ là sự hiện diện của Chúa chúng ta. Trong đền thờ đó, Ngài có thể cảm thấy như ở nhà, và Ngài đang ở nhà ấy nếu Ngài nhìn thấy những đặc điểm của Ngài ở đó. Những đặc điểm này là những phẩm tính hoàn thiện của Ngài, và khi những phẩm tính này được phản chiếu trong linh hồn, chúng được gọi là nhân đức. Linh hồn nào có được những phẩm tính hoàn thiện đó thì đẹp đẽ với vẻ đẹp của Ngài; linh hồn đó hoàn thiện “như Cha chúng ta trên trời là Đấng hoàn thiện”. Chữ như ở đây không có nghĩa là “nhiều như”; không hàm ý ngang nhau mà là giống nhau.
Bằng cách thực hành các nhân đức, chúng ta được tái tạo, nhờ các nhân đức đó, theo hình ảnh Thiên Chúa và theo hình ảnh Người Con thần linh của Ngài, Đấng đã đến mạc khải những đặc điểm của Chúa Cha cho chúng ta.
Trong nơi tôn nghiêm được dành riêng này – một thiên đàng và vương quốc mới của Thiên Chúa – sự cô tịch và im lặng phải ngự trị. Thiên Chúa ở một mình với chính Ngài. Các Ngôi Thiên Chúa không ảnh hưởng đến sự cô tịch này; Các Ngôi thiết lập sự cô tịch đó. Tình yêu vốn là sức mạnh làm sống động của Các Ngôi bao bọc Các Ngài khỏi tất cả những gì không phải là chính Ngài. Thành đô của Thiên Chúa thì mênh mông nhưng kín đáo. Chỉ một mình Thiên Chúa chiếm giữ thành đô đó và Ngài là Tất cả trong tất cả.
Linh hồn cầu nguyện phải tái lập sự cô tịch này; linh hồn phải được lấp đầy bởi sự cô tịch đó để loại trừ tất cả những thứ khác. Chính cuộc tâm sự tiếp sau đó là một thứ im lặng.
Lời nói và sự im lặng không đối nghịch nhau; chúng không loại trừ nhau. Điều đối lập với sự im lặng không phải là khả năng nói mà là ngôn từ - tức là sự lắm lời. Chúng ta nhầm lẫn sự im lặng của hiện hữu với sự im lặng của “hư không”, vốn không biết cách nói cũng không biết cách im lặng. Tất cả những gì sự im lặng của “hư không” có thể làm là trở nên náo động, rồi sau đó không còn biết gì nữa. Và nó làm điều này bằng những chuyển biến hời hợt ngoài mặt phản chiếu cái hư không bên trong nó.
Và đó là lý do tại sao nó nhiều lời. Nó nói chẳng bao nhiêu nhưng bằng rất nhiều từ; hoặc nó dùng những từ ngữ không nói lên được điều nó nghĩ. Thiên Chúa chỉ cần một Lời để bày tỏ chính Ngài một cách trọn vẹn, và chúng ta hướng tới chính sự hiệp nhất (của Lời) khi ở một mình với Thiên Chúa. Ngài đã trở thành tất cả, và chúng ta cũng nói với Ngài như thế - chúng ta còn có thể nói gì thêm nữa?
Đó là sự im lặng của linh hồn khi hồi tâm trong chính mình và tràn đầy Đấng mà linh hồn tìm thấy ở đó. Đó là sự im lặng của những đêm dài mà Chúa Giêsu đã trải qua trên sườn núi khi Ngài cầu nguyện với Thiên Chúa. Đó là sự im lặng của Vườn Giếtsimani hay Núi Sọ, chỉ bị phá tan bởi một ít lời dành cho chúng ta.
Các nhà thờ là nơi cầu nguyện chung. Nhà thờ phải tạo ra những đặc điểm của Thiên Chúa và những đặc điểm của những linh hồn vốn cần đến thân xác để diễn tả bản thân. Các nhà thờ phải đem đến cho thân xác những lối bước giúp thân xác hướng thẳng lên Thiên đàng hoặc tan dần đi trong mầu nhiệm chưa sáng tỏ.
Các nhà thờ phải tách khỏi trần thế và những tiếng ồn của thế gian, đồng thời tạo thành một điểm trung tâm để chung quanh đó mọi thứ đều nhắm đến việc thu hút các năng lực của linh hồn, tập trung và thống nhất các năng lực ấy cũng như khơi gợi tình yêu của chúng ta. Các nhà thờ phải biểu lộ những vẻ đẹp hoàn toàn vượt quá chúng ta; nhà thờ phải mang lại cho chúng ta một sự bình an không đến từ những thụ tạo nhưng lôi kéo chúng ta vượt lên trên chúng. Các nhà thờ phải tạo ra sự hòa hợp tuyệt vời giữa tự nhiên và siêu nhiên, trong đó Đấng tạo dựng cả vật chất và tinh thần được mặc khải. Sự hiện diện của Ngài tỏa sáng và tình yêu của Ngài thu hút chúng ta. Chúng ta phải hít thở Ngài qua từng lỗ chân lông của con người chúng ta, giống như chúng ta hít thở không khí. Một nơi thờ phượng không gợi lên sự đáp ứng này, và linh hồn khi bước vào đó không đáp ứng lại lời kêu gọi đó, thì không trung thực với chính mình và lừa dối những người khác.
Thiên Chúa là lò lửa tình yêu. Việc cầu nguyện đưa chúng ta đến gần Ngài, và khi đến gần Ngài, chúng ta được ngọn lửa của Ngài bắt lấy. Linh hồn được nâng lên nhờ tác động của ngọn lửa này, đó là một loại hơi thở tâm linh giúp linh hồn trở nên thánh thiêng và cuốn linh hồn đi. Linh hồn tự giải thoát khỏi mọi thứ đè nặng lên mình, vốn giữ linh hồn gắn bó với trần gian mệt mỏi này. Tác giả Thánh vịnh so sánh hơi thở này với hương trầm. Giờ đây, hương trầm là một biểu tượng được biết đến rộng rãi và đặc biệt phong phú. Nhưng từ tất cả những chất liệu mà lửa đốt cháy dưới dạng ngọn lửa hoặc sức nóng, sẽ có một chuyển động khiến hương trầm lan rộng, tăng lên bằng cách tự lan truyền tới mọi thứ chung quanh.
Chuyển động của linh hồn cầu nguyện có điều gì đó đặc biệt. Linh hồn đi ra khỏi chính mình nhưng vẫn ở trong chính mình. Linh hồn chuyển từ trạng thái tự nhiên sang trạng thái siêu nhiên; từ chính mình trong chính mình đến chính mình trong Thiên Chúa. Thoạt nhìn, những biểu hiện này có vẻ lạ kỳ. Mầu nhiệm không nằm trong những thực tại nhưng trong sự hiểu biết của chúng ta về những thực tại. Tâm trí chúng ta không quen với những thực tại này; chúng ta phải làm quen với chúng.
Linh hồn của chúng ta là một ngôi nhà có nhiều gian. Trong gian thứ nhất, linh hồn ở đó cùng với thân xác; nghĩa là với tất cả sự nhạy cảm của cơ thể.
Linh hồn thấy khi mắt thấy, nghe khi tai nghe. Linh hồn di chuyển bằng cơ bắp; linh hồn ghi nhớ, tưởng tượng và thẩm định khoảng cách khi chúng ta tham gia vào tất cả các hoạt động vốn là nền tảng chung cho hành động của linh hồn với thân xác. Trong gian thứ hai, linh hồn ở một mình và hành động một mình. Thân xác có ở đó - luôn ở đó - nhưng thân xác không còn hành động nữa; thân xác không tham gia vào hoạt động của linh hồn. Chỉ có linh hồn suy nghĩ và yêu thương. Thân xác cùng với các giác quan của thân xác chuẩn bị chất liệu và các yếu tố, những điều kiện cho hoạt động tâm linh này, nhưng thân xác không dự phần vào việc tạo ra hoạt động đó. Căn phòng đó đã đóng cửa; linh hồn ở đó một mình và cư ngụ ở đó một mình.
Trong nơi cư ngụ tâm linh đó có một phần còn sâu xa hơn nữa. Đó là nơi cư ngụ của Đấng hiện hữu, Đấng truyền thông chính Ngài và làm cho chúng ta “hiện hữu”. Chúng ta đã quá quen với việc sống hướng ngoại (và các đối tượng của giác quan khiến chúng ta hướng ngoại như vậy), chúng ta hiếm khi mở cánh cửa căn phòng này và hiếm khi nhìn ngó đến nó; nhiều người chết mà không bao giờ hỏi xem căn phòng đó có tồn tại không. Người ta hỏi: “Thiên Chúa ở đâu?” Thiên Chúa ở đó - trong những đáy sâu bản thể của họ - và Ngài ở đó để thông truyền sự hiện hữu cho họ. Con người không phải là ĐẤNG TỰ HỮU, không phải là Đấng ban sự sống cho tất cả những thứ khác. Con người nhận được sự hiện hữu; một phần hiện hữu vốn dĩ không phụ thuộc vào họ. Họ nhận được một phần sự sống đó trong một thời gian nhất định và dưới những hình thức nhất định. Và từ “cõi bên kia” của Ngài, Thiên Chúa ban cho họ sự sống. Họ chỉ sống nhờ quyền năng của Ngài và chỉ là những gì Ngài cho phép họ trở thành. Ngài là nguồn gốc của mọi việc họ làm và cho dù họ có mong muốn tiếp tục những hoạt động đó đến mức nào đi nữa thì họ cũng không thể làm được nếu không có Ngài ở đó. Để hiểu điều này, chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều, và phải hồi niệm – có lẽ là hình thái cao cả nhất mà hành vi con người có thể thực hiện – vốn dĩ đã nhường chỗ cho hành động bên ngoài và biến động tại chỗ, cả hai đều là điểm chung cho động vật và vật chất.
Linh hồn cầu nguyện sẽ bước vào “căn phòng tiệc ly” này. Linh hồn đặt mình trước sự hiện diện của Đấng tự hiến chính mình và bước vào sự thông truyền với Ngài. Thông truyền có nghĩa là có chung một điều gì đó và, nhờ yếu tố chung này, trở nên một. Chúng ta chạm vào, chúng ta nói chuyện, chúng ta cởi mở với nhau. Không có “điều gì đó” này, chúng ta vẫn ở xa nhau; chúng ta không “giao tiếp”. Thiên Chúa là tình yêu. Chúng ta bước vào sự giao tiếp với Ngài khi chúng ta yêu thương và trong mức độ chúng ta yêu thương. Linh hồn nào yêu thương và được Tình yêu đưa vào nơi Tình yêu ngự trị thì có thể nói chuyện với Ngài. Cầu nguyện là cuộc tâm sự như thế. Thiên Chúa sẽ không cưỡng lại tình yêu đang thỉnh cầu đó. Ngài đã hứa làm theo ý muốn của những ai làm theo ý muốn của Ngài.
Yêu thương chính là nhờ những cuộc giao tiếp thiêng liêng này, những cuộc giao tiếp này đã khiến những người tiếp nhận đầy vui sướng đó phải thốt lên những câu tuyệt vời nhất. “Lạy Chúa, xin ở lại, con khẩn xin dòng thác tình yêu của Chúa. Con không thể chịu đựng thêm nữa.” Linh hồn, bị nhấn chìm và bị mê say, đã ngất đi dưới sức nặng của những dòng nước lớn lao này và xin cho được thở một chốc lát, để có thể tiếp tục đón nhận tốt hơn. Vị ẩn sĩ trong sa mạc, khi cầu nguyện, phải kiên trì dang tay ra, để không bị cuốn hút say mê vào lời cầu nguyện của mình. Thánh nữ Maria Ai Cập, Thánh Phanxicô Assisi, đã được nâng cao lên khỏi mặt đất và vẫn được giữ lại ở trên cao bằng một sức mạnh lớn hơn trọng lượng cơ thể của các ngài.
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung