Đức Giêsu chữa lành cho người vừa điếc vừa ngọng. Đó là hành vi biểu trưng để nói rằng Ngài chính là Đấng Messia, là Đấng được Thiên Chúa sai đến để giải thoát cho dân. Tiên tri Isaia loan báo dân sẽ bị đày ải, nhưng Thiên Chúa sẽ lại đến để giải thoát họ, làm cho “mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được…, kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò.” (Is 35,5).
Với hành vi biểu trưng của người điếc nghe được, người câm nói được, ơn cứu độ được nói đến với một khía cạnh sâu xa hơn việc chữa lành thân xác, đó là người ta mở tai ra trước lời Thiên Chúa, đón nhận Thiên Chúa để được cứu độ, và khi cảm nhận chính mình được cứu độ, con người trở thành chứng nhân của ơn giải thoát này.
Đứng trước ơn cứu độ thần linh, mọi người đều bình đẳng, vì mọi người đều là những người khốn khổ cần được cứu độ. Do đó, người ta cần biết tôn trọng mọi người không trừ ai. Thánh Giacôbê nhắc nhở các tín hữu về điều đó để biết tôn trọng người nghèo, người thấp bé trong xã hội, bởi vì ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho họ và cho những người nhận biết mình cũng thấp bé như vậy. Được giải thoát có nghĩa là ra khỏi cái nhìn hạn hẹp theo kiểu người đời về người nghèo, người thấp bé, để yêu thương và tôn trọng họ.
Epphata, lạy Chúa, xin hãy mở tai con để đón nhận giáo huấn của Chúa, xin mở miệng con để ca tụng tình thương của Chúa cho những người bé nhỏ, và xin mở rộng lòng con để biết đón nhận, tôn trọng anh chị em mình.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn