Anh Marcô có lẽ là một con người đơn sơ, hiền lành và cũng có những giới hạn. Trong cuộc hành trình truyền giáo với các ông Barnaba và Phaolô, anh Marcô đã bỏ về. Người ta đoán là vì anh không quen chịu gian khổ. Nhưng sau đó, anh suy nghĩ lại và xin trở lại với đoàn truyền giáo. Ông Phaolô nhất định không chịu và nói với ông Barnaba là ông sẽ tách riêng ra, nếu ông Barnaba đón nhận anh Marcô; và sau đó, họ đã tách ra thật! Tuy nhiên, anh Marcô vẫn là con người đơn sơ, khiêm tốn và thiện chí nên vẫn đi theo các tông đồ. Anh vốn là cháu họ với ông Barnaba, có lẽ đã đi truyền giáo với ông này, và cũng đã trở thành “người con” tinh thần của ông Phêrô (x. 1Pr 5,13). Sau này, Phaolô và Marcô cũng đã làm hoà với nhau và anh Marcô cũng được coi là người trợ tá đắc lực và đáng tin cậy của ông Phaolô.
Với tính tình khiêm tốn của mình, anh Marcô cũng được huấn luyện bởi ông Phêrô về tính chất đó nữa. Sau biến cố phục sinh, ông Phêrô trở thành con người rất khiêm tốn. Ông khuyên các tín hữu hãy đối xử với nhau cách khiêm tốn. Sự khiêm tốn ấy cũng đi liền với lòng khiêm hạ trước Thiên Chúa. Khiêm hạ và đơn sơ để biết phó thác mọi lo âu trong tay Chúa (bài đọc 1). Ban đầu, người ta đánh giá Tin Mừng Marcô thấp vì cho là đơn sơ, không sâu sắc. Nhưng sau này, người ta khám phá rằng, ngoại trừ Tin Mừng Matthêô bằng tiếng Aram đã thất lạc, có lẽ Tin Mừng Marcô là viết trước hết trong các Tin Mừng và các Tin Mừng viết sau đã tham khảo Marcô. Với lời văn đơn sơ, ngắn gọn, người ta cho rằng những lời của ông trong Tin Mừng mang tính chân thành và gần với chính lời Chúa Giêsu nói nhất!
Phải chăng sự đơn sơ, chân thành và khiêm tốn cho thấy người tín hữu gần với Thiên Chúa và cũng qua những đức tính đó mà người tín hữu loan báo Tin Mừng tốt hơn hết? Ngay trong Giáo Hội, trong các gia đình và các cộng đoàn đức tin, sự chống báng nhau, những bất hoà với nhau là do thiếu những đức tính ấy và cũng cho thấy Tin Mừng chưa biến đổi các tín hữu! Và như thế thì làm sao họ có thể loan báo Tin Mừng, vì chính họ còn xa lạ với Tin Mừng mà!
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn