Khi Đức Giêsu hỏi: “Ai đã đụng vào tôi?” (Mc 5,30), các môn đệ liền nói lên “sự phi lý” của câu hỏi: đám đông chen lấn chung quanh, sao Thầy lại hỏi như vậy?! Thế nhưng, Đức Giêsu biết có năng lực từ Ngài truyền sang một người tin khi chạm đến Ngài, và người phụ nữ được chữa lành cũng biết rõ năng lực từ Đức Giêsu đã chữa lành bà! Đó là cuộc gặp gỡ ý thức giữa hai ngôi vị, không phải là sự đụng chạm của đám đông. Cuộc gặp gỡ ý thức của hai ngôi vị đã mang lại hiệu quả rõ ràng, không phải là sự đụng chạm vô ý thức và phớt qua của đám đông.
“…Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa. Anh em hãy tưởng nhớ Đấng đã cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình như thế, để anh em khỏi sờn lòng nản chí. Quả thật, trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa chống trả đến mức đổ máu đâu.” (Hr 12,2-4).
Tác giả thư Hipri nói về cuộc gặp gỡ của Ngôi Lời Nhập Thể với con người khi quên đi chính mình, quên đi niềm vui của riêng mình, mà chỉ sống và hy sinh cho con người. Để cuộc gặp gỡ ấy được toàn vẹn, con người được mời gọi hãy quên mình để chấp nhận mọi gian khổ theo gương Đức Giêsu Kitô.
Trong cuộc sống hàng ngày, tôi nhìn thấy, nói chuyện, đụng chạm đến nhiều người lắm, nhưng đó sẽ chỉ là những “đụng chạm” thoáng qua, không có ý thức của đám đông, mà không phải là những cuộc gặp gỡ thực sự, gặp gỡ có ý thức. Có khi có những đụng chạm có ý thức đấy, nhưng lại là những đụng chạm gây tổn thương cho nhau! Thật là tồi tệ!!! Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đến với nhau, có những cuộc gặp gỡ thực sự khi có thể thông truyền sự sống và sự chữa lành cho nhau.
Ai trải nghiệm được những cuộc gặp gỡ chữa lành với Chúa Giêsu Kitô thì cũng trở nên những tác nhân thông truyền sự chữa lành của Chúa cho người khác. Nếu các tín hữu không trở thành người thông truyền sự chữa lành của Chúa thì cũng có nghĩa là chính họ cũng chưa được chữa lành. Những an ủi, những xúc động hời hợt trong đời sống đức tin chưa thực sự chữa lành họ, vì không đi đến điều sâu xa cần được chữa lành. Họ không dám đối diện với điều sâu xa cần được chữa lành này khi đến với Chúa Kitô. Họ không dám đối diện với sự thật trần trụi về chính mình, nên Chúa Kitô không chữa lành họ được, và vì thế, trong “sự quằn quoại” nơi bản thân, họ lại gây tổn thương cho người khác! Khi dám đối diện với sự xấu hổ của căn bệnh, người phụ nữ đã được chữa lành! Hãy tin vào Chúa Giêsu Kitô và đến với Ngài bằng con người thật của mình để được chữa lành.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn