Giữa một thế giới văn minh như ngày nay và ngay giữa những nước được cho là hay tự cho là văn minh, thì chiến tranh vẫn là mối đe doạ thường xuyên! Tại sao vậy? Và như thế có thể được gọi là văn minh hay không?! Người ta muốn chứng tỏ nước mình hơn nước khác bằng cách dùng chiến tranh để thống trị nước khác. Người này muốn chứng tỏ mình hơn người khác bằng cách dùng bạo lực của tay chân, của lời nói, của chữ viết trên các phương tiện truyền thông. Và phải chăng Đức Giêsu cách nào đó, cũng cùng cách suy nghĩ khi nói rằng: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ.” (Lc 12,51)?
Đúng là trong dòng lịch sử đã có những lúc, những nơi, khi Giáo Hội liên kết chặt chẽ với quyền bính trần gian, đã gây ra những cuộc chiến tranh. Ngày nay khi nhìn lại, Giáo Hội nhìn nhận rằng mình không có lý do đáng thuyết phục nào để biện minh cho cách hành động như vậy cả, bởi vì đó không bao giờ là lý lẽ của Tin Mừng! Chiến tranh không bao giờ được nhân danh Thiên Chúa, bởi vì đó là sự xúc phạm đến Thiên Chúa! Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: chiến tranh không sinh ra điều gì tốt đẹp cả!
Vậy thì lời của Đức Giêsu có ý nghĩa gì? Đúng là giáo huấn của Đức Giêsu đã gây ra chống đối, nhưng không bao giờ Đức Giêsu gây ra bạo lực, mà là những người chống đối Ngài đã dùng đến bạo lực để loại trừ Ngài! Đối diện với bạo lực của người khác, Đức Giêsu luôn nói lời tha thứ, luôn bao dung. Đức Kitô Phục Sinh sai các môn đệ đi nói lời tha thứ và kêu gọi sám hối.
Để sống được thái độ bao dung, tha thứ, dịu hiền khi bị ngược đãi, kitô hữu phải chiến đấu với chính mình, với khuynh hướng xấu và bạo lực nơi mình. Và như vậy, thực sự cần một “cuộc chiến” nơi bản thân để có thể sống hoà bình với mọi người.
Trong bài đọc I, thánh Phaolô viết cho các tín hữu Roma rằng đừng dùng thân xác mình mà phục vụ cho tội lỗi, vì nó chỉ sinh ra sự chết; nhưng hãy đặt thân xác mình làm nô lệ cho Thiên Chúa, hãy dùng thân xác phục vụ cho sự công chính, để mang lại sự sống.
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn