Đức Giêsu có lối chữa bệnh kỳ lạ là trở nên giống như bệnh nhân để chữa lành họ! Người trị bệnh cho người khác bằng phương pháp bấm huyệt phải luyện công, và sau vài lần bấm huyệt, họ phải nghỉ ngơi để hồi sức. Bác sĩ khoẻ mạnh mới làm cho bệnh nhân tin tưởng. Vì thế mà có câu: “Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình!” (Lc 4,23).
Tuy nhiên, từ một góc nhìn khác, nếu người chữa bệnh mà không “trở nên như bệnh nhân” theo một cách thức nào đó, thì không thể chữa lành cách hữu hiệu được. Một nữ tu trong sứ vụ tâm lý trị liệu nói rằng: sứ vụ này đòi phải cảm nhận nỗi đau của các bệnh nhân thì mới có thể phát huy tác dụng. Vì thế, các nhà tâm lý cần học cách chữa lành chính mình để có thể tiếp tục sứ vụ.
Để chữa lành cho con người, Đức Giêsu đã làm như thế nào? Ngài đã “nên giống anh em mình về mọi phương diện” (Hr 2,17). Đó là “mang lấy cùng một huyết nhục” (2,14), “trải qua thử thách và đau khổ”, (2,18) cùng đi vào cái chết với con người (2,14). Bởi vậy, Ngài “trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín … Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách.” (2,17-18). Ông Matthêô áp dụng cho Đức Giêsu lời của tiên tri Isaia: “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta.” (x. Mt 8,17).
Để chữa lành tâm hồn, hay nói cách khác là chữa lành cuộc sống của anh chị em mình, chúng ta được mời gọi đi theo cách thức của Chúa Giêsu. Đứng ở bên ngoài để kết án chỉ gây thêm thương tổn cho anh chị em mình! Không đủ kiên nhẫn, cũng làm người bị thương tổn thất vọng! Chỉ khi đi vào lịch sử những tổn thương của anh chị em mình thì mới có thể cùng họ đi ra khỏi vết thương sâu hoắm ấy! Hãy mang lấy nỗi đau của người khác và coi họ như người thuộc về mình thì mới có thể trở thành thừa tác viên của Người Thầy Thuốc kỳ lạ mang tên Giêsu Kitô.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn