Linh mục của Tân Ước tham dự vào chức linh mục duy nhất của Chúa Kitô. Vì thế, họ cũng dõi theo những tâm tình và cách sống của Chúa Kitô Thượng Phẩm. Tuy nhiên, họ có một điều rất căn bản khác với Chúa Kitô, đó là linh mục mang nơi mình thân phận của một tội nhân. Họ luôn ở trong thân phận tội nhân, trong khi Chúa Kitô, tuy dù tham gia vào mọi chiều kích của kiếp người, nhưng Ngài không hề phạm tội: “Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội.” (Hr 4,15). Điều này vừa có thể được suy tư cho các linh mục thừa tác cũng như cho các linh mục cộng đồng, tức là cho mọi kitô hữu.
Như vậy, kitô hữu được gọi không phải vì sự hoàn hảo của họ, nhưng họ vẫn mang theo mình thân phận yếu đuối của tội nhân. Họ “phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy.” (Hr 5,3). Sống được tâm thế tội nhân trong ơn gọi sẽ làm họ khiêm tốn và nhân ái với những giới hạn, lỗi lầm của tha nhân.
Việc ăn chay lý ra là hành động của tội nhân, nhưng điều nghịch lý là nó lại làm cho người thực hành nghĩ rằng mình đạo đức, và do đó, người không thực hành việc này được coi là người thiếu đạo đức. Các môn đệ ông Gioan và các môn đệ Pharisêô ăn chay và họ tra vấn Đức Giêsu rằng tại sao môn đệ của Ngài không làm như họ! Đức Giêsu đưa họ đến ý nghĩa sâu xa hơn của việc ăn chay là quy hướng về Đấng Messia, hướng về một Đấng chứ không phải dừng lại ở một hành vi.
Nếu biết suy nghĩ, các việc đạo đức sẽ đưa tín hữu đến tương quan liên vị sâu xa hơn, quy hướng về Thiên Chúa và sống cách nhân văn hơn. Ý thức về thân phận tội lỗi trong ơn gọi sẽ khiến họ trở nên nhân ái hơn, sẽ có được tâm tình của Chúa Kitô là biết “cảm thương những yếu hèn” của người khác nhiều hơn (x. Hr 4,15). Với tâm thế này, tín hữu sẽ trở nên người có tấm lòng rộng lớn và có khả năng quy tụ nhiều hơn, là việc mà Chúa Kitô mời gọi họ cộng tác với Ngài.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn