Thư Hipri trình bày Đức Giêsu Kitô Thượng Tế phục vụ cho giao ước mới, chứ không phải là giao ước cũ của đạo Do Thái. Giao ước mới ở sâu trong lòng, trong trí của con người, mà không cần phải được dạy bảo:
“Ta sẽ ghi vào lòng trí chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng lề luật của Ta; Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là Dân của Ta. Không ai còn phải dạy đồng bào mình, không ai còn phải dạy anh em mình rằng: ‘Hãy học cho biết Đức Chúa’, vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta.” (Hr 8,10-11).
Tư tưởng của tác giả thư Hipri rất gần với ông Phaolô, vì thế mà người ta cho rằng đó là tác phẩm của môn đệ của ông này. Sự giống nhau này được thể hiện qua cách nhìn giao ước cũ bị lệ thuộc vào Lề Luật đến độ coi ơn cứu độ đến từ Lề Luật, từ việc tuân giữ Lề Luật! Đức Giêsu mang đến một giao ước mới dựa trên một điều rất căn bản đã có từ ban đầu và nằm sâu nơi bản chất của con người. Đó là con người là “hình ảnh Thiên Chúa” (x. St 1,26-27). Đã là con người thì đồng thời cũng là hình ảnh của Thiên Chúa. Như vậy, khi sống giao ước mới của Đức Giêsu Kitô, đó là lúc người ta sống được tính người của mình, làm cho người ta là người đích thực. Người ta không còn đối diện với Thiên Chúa và những lời dạy bảo của Ngài như một gánh nặng từ bên ngoài áp đặt xuống, làm cho người ta bị “vong thân”, như tư tưởng một thời nào đó của những người chủ trương vô thần!
Dân Do Thái đã phá hủy giao ước cũ vì sự bất trung của họ, khiến cho hơn 10 chi tộc bị xóa sổ. Đức Giêsu chọn 12 tông đồ như tạo dựng một dân tộc mới theo nghĩa là toàn thể nhân loại, không còn dừng lại ở dân Do Thái nữa.
Sự chia rẽ nơi các Giáo Hội kitô giáo do người ta dừng lại và bất hòa vì những điều chưa thực sự là sâu xa nơi con người. Những đả kích và loại trừ lẫn nhau và cho mình là hay hơn cả, cho thấy họ không ý thức đủ rằng Thiên Chúa muốn cứu độ mọi người. Nếu đi đến chiều sâu của giao ước mới, đi đến chỗ sâu xa nhất của một vị Thiên Chúa ở sâu nơi tâm hồn và trí tuệ của con người, và nhận ra Thiên Chúa muốn cứu độ mọi người, thì người ta sẽ nhận ra mọi người đều có nền tảng chung với nhau.
Rất thường khi những chia rẽ trong gia đình, trong các cộng đoàn đức tin cũng thế, người ta tấn công và loại trừ nhau khởi đi từ những điều hời hợt bên ngoài, và điều đó cho thấy người ta còn nông cạn lắm! Hãy trở lại với Thiên Chúa và lời mời gọi yêu thương của Ngài nơi sâu thẳm của mình, để nhận ra mọi người là anh chị em với nhau.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn