Hiệp nhất trong đức tin và đức ái - Thứ Bảy Tuần I - Mùa Thường Niên

Hiệp nhất trong đức tin và đức ái - Thứ Bảy Tuần I - Mùa Thường Niên

Hiệp nhất trong đức tin và đức ái - Thứ Bảy Tuần I - Mùa Thường Niên

Hiệp nhất trong đức tin và đức ái

Hr 4,12-16; Mc 2,13-17

Thứ Bảy Tuần I - Mùa Thường Niên, 18/01/2025,

Bắt đầu Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các kitô hữu

 

Hôm nay bắt đầu Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các kitô hữu (18-25 tháng Giêng), chúng ta hãy cùng suy nghĩ để sống ‎ý nghĩa của tuần lễ này. Năm nay, kỷ niệm 1.700 năm công đồng Nicêa vào năm 325, là công đồng đại kết đầu tiên. Nội dung công đồng là xác định Đức Giêsu đồng bản thể với Chúa Cha, tức là Ngài cũng là Thiên Chúa như Chúa Cha, chứ không phải là một thụ tạo được Thiên Chúa nâng lên. Công đồng xác định giáo l‎ý ấy trước sai lạc của giáo phái Arius và đã soạn thảo Kinh Tin Kính mà chúng ta đọc mỗi Chúa Nhật và lễ trọng, nhằm xác định niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi

Thư Hipri hôm nay cũng xác định về Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa và mời gọi “hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin” (Hr 4,14) vào mầu nhiệm Nhập Thể. Bên cạnh đó, tác giả cho thấy, để có thể là vị Thượng Tế làm trung gian giữa con người và Thiên Chúa, vị Thiên Chúa Nhập Thể ấy cũng đã trải qua những đau khổ của kiếp người để cảm thông những nỗi đau khổ của họ. Niềm tin đi liền với lòng mến bởi vì vị Thiên Chúa Nhập Thể mà tín hữu tin kính cũng là Đấng cảm thương thân phận con người.

Những chia rẽ nơi Kitô Giáo trong dòng lịch sử đều cho thấy trong những tranh cãi về những giáo thuyết đó không hề vắng bóng sự hung hăng đưa đến loại trừ nhau! Niềm tin vào một vị Thiên Chúa cảm thương không thể không có lòng yêu mến, bằng không, người ta không bước theo vị Thiên Chúa mà họ đang tranh luận về Ngài!

Đời sống kitô hữu nơi các cộng đoàn đức tin cũng nảy sinh nhiều hình thức chia rẽ khác nhau, và người ta đều thấy ở nơi đó những dấu vết của lý lẽ, của tự ái, của sự kiêu hãnh, không chấp nhận sự khác biệt và thiếu kiên nhẫn với nhau. Tuần lễ cầu nguyện cho hiệp nhất mời gọi mỗi người hãy biết bỏ cái tôi của mình và luôn ý thức mình chỉ thực sự có đời sống kitô hữu khi niềm tin đi liền với đức ái. Các kinh sư lên án Đức Giêsu vì Ngài thân thiện với những người thu thuế và tội lỗi. Họ muốn khẳng định về sự công chính của mình bằng cách lên án người khác! Sự công chính thực sự không phải là một khẳng định về bản thân, nhưng là thuộc về Thiên Chúa, Đấng yêu thương con người.

Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn