Ý nghĩa cánh chung được nhìn dưới lăng kính của tiên tri Êdêkien là ngày Chúa Kitô quy tụ đoàn chiên. Đó là đoàn chiên của Ngài đồng thời cũng là đoàn chiên của Thiên Chúa Cha. Ngày ấy, Chúa Kitô sẽ kiểm điểm đoàn chiên, quy tụ những chiên tản mác khắp nơi, băng bó những chiên bị thương tích, và cho chiên được nghỉ ngơi. Đó là ngày Ngài đưa đoàn chiên về cho Chúa Cha, theo tư tưởng của thánh Phaolô trong thư thứ nhất Côrintô.
Đoàn chiên của Chúa Kitô là những chiên nghe tiếng chủ chiên. Việc nghe tiếng chủ chiên này không chỉ nơi cuộc tập họp cuối cùng vào ngày cánh chung, nhưng đã được thực hiện suốt hành trình đời người, khi họ nghe tiếng những người đau khổ. Tiếng của Chúa Kitô chính là tiếng của những người nghèo đói, bé nhỏ, tù tội… (Tin Mừng), và những người thuộc về đoàn chiên của Chúa Kitô đã nghe được tiếng chủ chiên ở những người đó: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10,27).
Như vậy, thuộc về đoàn chiên của Chúa Kitô và được Ngài quy tụ, không phải là chuyện may rủi lúc kết thúc cuộc đời, nghĩa là không chỉ một thoáng sám hối và thay đổi lúc cuối đời -dù điều đó đáng quý lắm-, cũng không phải chỉ là chuyện của ngày cánh chung, nhưng họ thực sự đã là chiên của Ngài, nghe tiếng Ngài dọc theo hành trình đời người. Và việc nghe tiếng Chúa Kitô cũng gắn liền với việc nghe tiếng của anh chị em mình, nhất là những anh chị em bé nhỏ, giản dị.
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn