Cảnh tỉnh và cảnh báo để lợi được anh em - Chúa Nhật Tuần XXIII - Mùa Thường Niên A

Cảnh tỉnh và cảnh báo để lợi được anh em - Chúa Nhật Tuần XXIII - Mùa Thường Niên A

Cảnh tỉnh và cảnh báo để lợi được anh em - Chúa Nhật Tuần XXIII - Mùa Thường Niên A

CẢNH TỈNH VÀ CẢNH BÁO ĐỂ LỢI ĐƯỢC ANH EM

Ed 33,7-9; Rm 13,8-10; Mt 18,15-20

Chúa Nhật Tuần XXIII - Mùa Thường Niên A, 10/09/2023

Lời Chúa hôm nay nói với chúng ta về việc cảnh tỉnh những người lầm đường và cảnh báo về những nguy cơ để dẫn đường. Tất cả đều được xây dựng trên đức ái, trên tình liên đới. Đoạn trích Tin Mừng hôm nay có thể làm người ta hiểu lầm rằng cộng đoàn như là chỗ để lên án và loại trừ. Người ta nghĩ nhiều về sự cầm buộc! Thực ra, cả đoạn văn mang ý nghĩa tích cực hơn. Ngay sau chuyện sửa lỗi anh em là đoạn văn nói về sự hợp nhất trong cầu ,nguyện, và khi đó Chúa Giêsu ở giữa cộng đoàn ấy (x. Mt 18,19-20).

Bản văn chúng ta nghe là: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi.” (Mt 18,15). Bản gốc Hy Lạp thêm từ ngữ: “phạm tội đến anh/ mắc tội với anh” (sins against you /eis se/ ‹εἰς σὲ›/). Nhưng thái độ Đức Giêsu đòi là chính người bị xúc phạm đi đến để góp ý với anh em mình. Đoạn văn sau đó nói đến sự tha thứ cho anh chị em (x. 18,21-35). Điều mong ước là họ nhận ra lỗi và như thế thì “có được” (kerdainó /κερδαίνω/ gain, avoid loss) anh em mình. Những biện pháp sau đó, khi phải nhờ đến sự trợ giúp của người khác cũng nhằm mục đích đó: cùng nhau tìm lại người anh em của mình.

Thiên Chúa đặt tiên tri Êdêkien làm người canh gác cho nhà Israen (Ed 33,7). Điều này được hiểu về một người thấy xa, trông rộng như người lính đứng trên vọng gác, lên tiếng cảnh báo người khác. Người này nhận được lời cảnh báo từ Chúa để nói lại với dân. Trong bối cảnh hiệp hành của Giáo Hội hôm nay, chúng ta có thể hiểu về vai trò của mọi người đóng góp cái nhìn của mình, sự soi sáng mà mình có thể được đón nhận, để mời cộng đoàn cùng nhau suy nghĩ trước những dấu chỉ của thời đại và cùng nhau đi tới trước. Sự cảnh báo đến từ cộng đoàn.

Đưa người khác về lại cộng đoàn và nhận ra giá trị của cộng đoàn trong việc nhận ra những dấu chỉ, để mời gọi nhau đi tới. Chúng ta “mắc nợ” nhau, “món nợ của đức ái” (x. Rm 13,8).

Lp. Giuse Nguyễn Trọng Sơn