Yêu trọn vẹn - Thứ Sáu Tuần XX - Mùa Thường Niên

Yêu trọn vẹn - Thứ Sáu Tuần XX - Mùa Thường Niên

Yêu trọn vẹn - Thứ Sáu Tuần XX - Mùa Thường Niên

YÊU TRỌN VẸN 

R 1,1.3-6.14b-16.22; Mt 22,34-40 

Thứ Sáu Tuần XX - Mùa Thường Niên, 25/08/2023

Chuyện kể về hai nàng dâu của bà Naômi thật là đẹp. Nhất là với nàng dâu tên Rút. Không còn lý do ở lại nơi đất khách quê người nữa, trước khi hồi hương, bà Naômi bảo hai nàng dâu goá chồng hãy trở về quê hương, lo cho cuộc sống của mình. Cô Rút trả lời: “Xin mẹ đừng ép con bỏ mẹ mà trở về, không theo mẹ nữa, vì mẹ đi đâu, con đi đó, mẹ ở đâu, con ở đó, dân của mẹ là dân của con, Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con.” (R 1,16)! Điều tuyệt vời đó là lòng yêu mến trọn vẹn, vì cô Rút không còn nghĩ đến mình, đến hạnh phúc của mình nữa! Hay nói đúng hơn, cô tìm thấy hạnh phúc của mình khi dành một tình yêu trọn vẹn cho mẹ chồng! Chính nơi dòng dõi của cô Rút mà Đức Giêsu Kitô đã ra đời.

Đòi hỏi về một tình yêu trọn vẹn cũng là giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô. Nhà thông luật thử thách Đức Giêsu khi hỏi đâu là giới răn trọng nhất? Với chuyên môn của mình, ông thử thách Đức Giêsu về sự hiểu biết, về trí thông minh, về phán đoán. Ông hỏi về điều nào, khoản luật nào, còn Đức Giêsu thì đưa ông vào tâm hồn. Từ giới răn, Đức Giêsu đưa vào lòng yêu mến. Và lòng yêu mến Thiên Chúa mà Đức Giêsu đòi hỏi phải là “hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn” (Mt 22,37), chứ không dừng lại ở trí tuệ hay hời hợt với những nghi thức, những đòi buộc luật lệ bên ngoài nữa! Yêu mến Thiên Chúa trọn vẹn như vậy thì phải mở lòng ra với Thiên Chúa, với Đấng Kitô mà Thiên Chúa sai đến, chứ không dừng lại ở lối sống đạo đức bề ngoài, với sự tự phụ về thành tích đạo đức của mình nữa, bởi vì cách thức ấy chỉ là tìm kiếm chính mình thôi!

Sự trọn vẹn trong lòng yêu mến Thiên Chúa lại đưa đến lòng yêu mến người khác. Chúa Giêsu nói: “Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy” (Mt 22,39). Khi Chúa Giêsu nói “giống” (homoia/ ὁμοία, like, similar to, resembling, of equal rank) có nghĩa là đã đẩy lòng yêu mến tha nhân lên mức độ thật cao, tương tự như lòng yêu mến Thiên Chúa. Dĩ nhiên, Thiên Chúa luôn ở vị trí tối cao, nhưng lòng yêu mến Thiên Chúa trọn vẹn thì không thể không có lòng yêu mến tha nhân, bởi vì những gì làm cho người khác cũng là làm cho chính Chúa vậy (x. Mt 25,45). Yêu “đại khái”, yêu “cầm chừng” vì nghĩ đến mình nhiều hơn đến Thiên Chúa và tha nhân, là chẳng hiểu gì cả về tình yêu!

Tình yêu trọn vẹn thì tổng hợp được cả tình yêu dành cho Thiên Chúa, cho tha nhân và cho chính mình. “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22,39). Ba hướng nhắm của tình yêu ấy làm nên một tình yêu duy nhất. Đó là tình yêu trọn vẹn.

LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn