Trần truồng: Xấu hổ và không xấu hổ - Chúa Nhật Tuần X - Mùa Thường Niên B

Trần truồng: Xấu hổ và không xấu hổ - Chúa Nhật Tuần X - Mùa Thường Niên B

Trần truồng: Xấu hổ và không xấu hổ - Chúa Nhật Tuần X - Mùa Thường Niên B

Trần truồng: Xấu hổ và không xấu hổ

St 3,9-15; 2Cr 4,13 - 5,1; Mc 3,20-35

Chúa Nhật Tuần X - Mùa Thường Niên B

09/06/2024

Adam và Eva đã trải qua cả hai tâm trạng không xấu hổ và xấu hổ của sự trần truồng. Trước đó, hai ông bà đã trần truồng, nhưng họ không xấu hổ; chỉ sau khi phạm tội, họ mới xấu hổ và đi trốn Thiên Chúa. “Con người thưa: ‘Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn’.” (St 3,10). Xấu hổ vì tội lỗi của mình nên ông đổ tội cho bà, bà đổ tội cho con rắn! Khi không dám đối diện với tội lỗi, thiếu sót của mình, người ta xấu hổ và tìm cách che đậy. Khi giành lấy những gì không phải của mình, người ta biết mình sai, nên phải tìm cách che đậy, tự biện hộ với chính mình và với người khác!

Người ta không dám đối diện với cái xấu nơi chính mình, với cái sai của chính mình, nên người ta đổ tội cho người khác, gán tội lỗi cho người khác. Những người bị Đức Giêsu chỉ cho thấy sai lỗi đã quay ngược lại gán cho Đức Giêsu là dùng quyền năng của quỷ lớn để diệt quỷ nhỏ! Và điều đó làm cho họ ngày càng lún sâu vào sự cứng lòng để chống lại những điều tốt lành nơi Đức Giêsu, và cuối cùng họ đã giết người vô tội, giết Đấng đến để cứu độ họ.

Khi nào người ta không còn cố gắng bảo vệ những sai lỗi của mình, không còn cố giữ lấy dáng vẻ giả tạo bên ngoài của mình nữa, thì người ta mới có thể đi xa được. Mượn hình ảnh của thánh Phaolô trong thư thứ hai Côrintô, có thể nói rằng khi nào những thứ hữu hình tạm thời, khi nào ngôi nhà trần thế này bị phá đổ đi, thì người ta mới đi đến những điều cao sâu được. Khi nào người ta dám đối diện thẳng thắn với sai lỗi của mình cách khiêm tốn, bấy giờ mới có thay đổi sâu xa. Bằng không thì đâu vẫn hoàn đấy!

Đức Maria không bận tâm đến danh dự người mẹ của một vị thầy danh tiếng đang làm nhiều phép lạ. Mẹ chỉ bận tâm đến việc tìm kiếm và thi hành điều Thiên Chúa muốn. Và chính điều này đã đưa Mẹ đi thật xa để trở thành người mẹ đích thực của Đức Giêsu là Đấng cũng chỉ đi tìm và thực hành thánh ý Chúa Cha.

Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn