Tôi tìm gì, tìm ai? Thứ Tư, 04/01/2023

Tôi tìm gì, tìm ai? Thứ Tư, 04/01/2023

Tôi tìm gì, tìm ai? Thứ Tư, 04/01/2023

TÔI TÌM GÌ, TÌM AI ?

1Ga 3,7-10; Ga 1,35-42 

Thứ Tư, 04/01/2023

Trong những ngày sau khi mừng lễ Chúa Giêsu giáng sinh và chuẩn bị cho lễ Hiển Linh là việc dân ngoại đi tìm kiếm Đấng Cứu Độ, chúng ta được nghe Tin Mừng Gioan về việc tìm kiếm của các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu. Câu hỏi Chúa Giêsu đưa ra cho hai người đi theo sau mình là: “Các anh tìm gì thế?” và họ đáp: “Thưa Rabbi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?” (Ga 1,38). Từ ngữ Hy Lạp “Ti” (τί) có thể dịch là ai, cái gì, tại sao (who, which, what, why) nhưng trong các bản dịch các tác giả  Thánh Kinh đều hiểu “cái gì” (what). Trong khi Chúa Giêsu hỏi: các anh tìm cái gì, thì họ trả lời là tìm một người, một vị thầy. Trong não trạng thời đó, khi hướng về Đấng Messia, người Do Thái đi tìm “cái gì” nhiều hơn, tức là họ nuôi tham vọng về một quốc gia hùng mạnh, một cuộc sống no cơm ấm áo... Và Chúa Giêsu đặt vấn nạn với hai người này ngay từ đầu. Thế nhưng hai người này ý thức đi tìm một người, một vị thầy, theo lời giới thiệu của thầy cũ là Gioan Tiền Hô. Hỏi thầy ở đâu có nghĩa là muốn xin làm môn đệ. Và Chúa Giêsu đáp lại: đến mà xem. Đến ở với Thầy để đi vào một tương quan, chứ không dừng lại ở một lớp học, một kiến thức.

Đó là bước đầu. Trong suốt 3 năm ở bên Thầy Giêsu, các môn đệ sẽ phải “vật lộn” giữa hai điều ấy: “tìm cái gì” và “tìm ai”. Họ vẫn dễ dàng nghiêng về việc tìm kiếm một cái gì đó cho bản thân họ hơn là đi theo Thầy Giêsu!

Tác giả thư thứ nhất Gioan khuyên nhủ: anh em đừng để lạc đường (x. 1Ga 3,7). Điều này thực sự là vấn nạn lớn lắm, bởi vì chúng ta dễ đi tìm “cái gì” hơn là đi tìm “một ai đó” trong đời sống kitô hữu, trong đời sống gia đình và cả trong đời sống Giáo Hội, đời sống tu trì nữa! Cái gì đó thường có dấu vết của bản thân tôi, cho dù tôi gán cho nó danh hiệu là vinh quang Chúa hay vinh danh cho Giáo Hội! Nếu tôi thực sự đi tìm Thiên Chúa, là đi theo Chúa Giêsu, thì tôi sẽ gặp được con người. Còn khi tôi thấy mình đã gây ra căng thẳng không đúng đắn với người khác, gây ra xung đột, có khi làm tổn thương người khác nữa, thì cũng có nghĩa là chẳng có Chúa, chẳng có Giáo Hội nào ở đây cả, chỉ có cái tôi mà thôi.

“Phàm ai không sống công chính  thì không thuộc về Thiên Chúa; ai không yêu thương anh em mình, thì cũng vậy.” (1Ga 3,10).

LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn