Khi bị người Do Thái tố cáo với chính quyền Roma vì rao giảng về Đức Giêsu phục sinh, ông Phaolô kháng cáo và xin được xét xử bởi hoàng đế Roma chứ không phải bởi nhà cầm quyền Do Thái, vì ông biết sự thù ghét của người Do Thái sẽ bất lợi cho ông! Đó là nỗi đau rất lớn của ông Phaolô, vì những người phản kháng và loại trừ lời rao giảng về Đấng Cứu Độ lại chính là những người đồng chủng của ông! Đó cũng là nỗi đau của rất nhiều người vì sự bạc bẽo của chính những người mà mình yêu mến, những người thuộc về mình! Đứng trước sự bạc bẽo giữa con người với nhau ấy, người ta bị cám dỗ thất vọng hoặc đối xử sòng phẳng với nhau. Nhưng tình yêu thần linh đưa tình yêu giữa người với người lên cao hơn.
Chúa Giêsu hỏi ông Phêrô ba lần rằng ông có yêu mến Ngài hay không. Nếu điều đó có nhắc ông nhớ đến ba lần chối Thầy thì cũng không phải là để trách móc ông, nhưng là để nói lên sự tha thứ của Ngài qua sự tin tưởng trao đoàn chiên cho ông. Sự tha thứ và lòng tin tưởng được lặp lại ba lần làm cho những điều ấy trở nên mạnh mẽ.
Ông Phêrô còn được đòi hỏi phải yêu mến Thầy Giêsu hơn những người khác: “Anh có yêu mến Thầy hơn các anh em này không?” (Ga 21,15). Tình yêu dành cho Thầy Giêsu phải hơn những người khác để bất chấp cách đối xử của người khác với mình thế nào, ông vẫn được mời gọi hy sinh tính mạng cho họ, giống như Thầy Giêsu đã làm! Tình yêu thần linh thể hiện qua việc chết cho con người cũng mời gọi con người cũng hãy yêu như Đức Giêsu Kitô đã yêu, không dừng lại ở sự sòng phẳng, ăn miếng trả miếng với nhau hoặc gạt người khác ra bên lề cuộc sống của mình.
Tình yêu ấy còn mời gọi mở rộng cho mọi người, không phân biệt niềm tin, tôn giáo. Đức Giêsu coi mọi người đều là đoàn chiên được Chúa Cha trao cho Người chăm sóc: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.” (Ga 10,16). Tình yêu của vị Mục Tử thần linh mời gọi chúng ta vượt trên những giới hạn hẹp hòi trong tình yêu con người dành cho nhau.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn