Tâm lý con người khi tin vào thần thánh, ai cũng mong muốn thần linh phù hộ cho mình, ban cho điều mình mong ước, có khi ước muốn này đi xa đến mức độ sẵn sàng bỏ thần linh nếu cầu xin không được! Lý thuyết vô thần cho rằng tôn giáo phát sinh chỉ vì người ta cảm thấy bất lực trước những khó khăn, sợ hãi trong đời sống, nên tưởng tượng ra thần linh để an ủi, nâng đỡ con người.
Thế nhưng, có một điều nghịch lý trong Kitô Giáo là tín hữu được hứa hẹn về những đau khổ! Hai ông Barnaba và Phaolô nói với các kitô hữu mới theo đạo rằng: họ sẽ phải chịu nhiều đau khổ, bởi vì các kitô hữu thường bị người ta chống đối, loại trừ. Trước khi đi vào cuộc thương khó của chính mình, Chúa Giêsu cũng loan báo những đau khổ sẽ đến với các môn đệ, nhưng hứa Ngài sẽ ban cho họ một thứ bình an không theo cách thế gian nghĩ tưởng, nghĩa là bình an ngay trong đau khổ!
Chúa Giêsu nhìn cuộc thương khó của Ngài là lộ trình đi về cùng Chúa Cha, và việc Ngài sẵn lòng đi vào cuộc bách hại của con người là biểu hiện của lòng yêu mến đối với Chúa Cha. Lòng yêu mến ấy được diễn tả qua việc Ngài sẵn lòng đi theo con đường của Chúa Cha là dấn thân cho đến cùng vì lòng yêu mến con người, không chùn bước trước những bách hại do chính con người mà Thiên Chúa yêu mến gây ra! Chúa Giêsu biết mình tự do khi bước vào đau khổ, không ai có quyền gì trên Ngài cả, vì thế Ngài biết mình đang làm gì và bước vào con đường ấy cách thanh thản.
Sống đời kitô hữu mà không sẵn sàng cho những đau khổ, cho những cực nhọc, là sống chưa tới chiều sâu của Kitô Giáo, hay nói mạnh hơn là chưa sống được điều mầu nhiệm Vượt Qua cốt yếu của Kitô Giáo. Việc theo đạo còn dừng lại ở những gì mình muốn cho bản thân. Theo đạo như thế thì hời hợt quá! Mà nếu bước vào đau khổ với thái độ than thở, phản kháng, vùng vằng thì chưa đi tới được tình yêu là ý nghĩa của sự dấn thân vào đau khổ. Tin tưởng và thanh thản đi vào đau khổ, đó là bản lãnh của những người theo bước Chúa Giêsu, bởi vì họ luôn sống bằng lòng yêu mến.
“Hãy yêu mến Chúa Giêsu, yêu mến Ngài thật nhiều, nhưng muốn thế thì phải sẵn sàng yêu thích sự hy sinh nhiều hơn nữa” (Thánh Piô Năm Dấu).
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn