Cùng chung nhịp bước với Giáo Hội Hiệp hành dưới góc nhìn Tâm lý, cha Giuse đã giúp chúng tôi tập cho mình có những Tư duy Tích Cực trong đời sống của mình và nhìn lại bản thân để Hiểu biết bản thân để sống yêu thương bản thân và tha nhân cách đúng mực. Điều này thật thực tế và cần thiết cho đời sống ơn gọi của chúng tôi.
Trước tiên chúng ta cùng nhau xây dựng đời sống Cộng đoàn chúng ta theo gương Cộng đoàn Ba Ngôi Thiên Chúa.
Mỗi người chúng ta càng thêm tuổi thì tư duy của chúng ta khó thay đổi, khó thích ứng với những biến chuyển mới mẻ của xã hội, của Giáo Hội. Vì vậy, chúng ta phải ý thức rằng mỗi ngày chúng ta cần có óc cầu tiến để thay đổi tư duy tiêu cực theo chiều hướng tư duy tích cực. Và luôn luôn mở ra mỗi ngày, mở ra với chính mình, mở ra với cộng đoàn, mở ra với thế giới bên ngoài,… theo tiếng nói của Chúa Thánh Thần.
Trong Cộng đoàn chúng ta có nhiều thế hệ khác nhau sống chung với nhau. Vì vậy nếu chúng ta tư duy tiêu cực chúng ta sẽ nói đây là những khó khăn nhưng nếu chúng ta tư duy theo hướng tích cực thì cộng đoàn chúng ta rất đa dạng cần kinh nghiệm của người cao tuổi: chúng ta có người cao tuổi; cần sự năng động của người trẻ: chúng ta có người trẻ; cần sự dung hòa nối kết hai thế hệ: chúng ta có người trung niên. Chúng ta thay đổi cách nhìn thì chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Chúng ta phải tập để có tư duy tích cực, vì theo tự nhiên chúng ta dễ chiều theo khuynh hướng tư duy tiêu cực.
Tự tin liên hệ rất gần với nhân đức khiêm nhường, Chúa Giêsu nói: "Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường" (Mt 11, 28), Chúa Giêsu dẫn đầu đám đông, nổi trội trong đám đông nhưng đồng thời Ngài cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, phục vụ và hiến thân chính mình trên thập giá để cứu độ nhân loại.
Tự tin là khả năng sử dụng ân huệ Chúa ban, Chúa ban cho chúng ta những khả năng nào thì chúng ta tận dụng để phục vụ tha nhân một cách hữu hiệu nhất vì đây là trách nhiệm Thiên Chúa trao cho chúng ta. Chúng ta cần tập luyện tự tin, tập luyện sự quân bình là chúng ta sẽ sống sự khiêm nhường thật sự.
Qua lăng kính của Kitô giáo, chúng ta tin tưởng vào Thiên Chúa và đồng thời chúng ta hạ mình trước Đấng Sáng Tạo. Tin tưởng vào quyền năng và ân sủng của Ngài.
Qua hình ảnh ông Môisê, lúc đầu ông tự ti, ông nói với Thiên Chúa ông cà lâm, nhưng Chúa sẽ ban sức mạnh để ông tự tin dẫn dân ra khỏi Ai Cập. Trong đời sống Cộng đoàn chúng ta cũng vậy với những khó khăn chúng ta mạnh dạn thực hiện với một niềm xác tín Chúa thực hiện nhưng với ý hướng ngay lành của chúng ta. Đừng trốn tránh trách nhiệm, đừng khoe khoang, tự cao hay tự tôn bản thân mà phải quân bình, khiêm nhường như Chúa Giêsu.
Điều tốt mà chúng ta thực hiện qua lăng kính cái TÔI của mình sẽ thành ra có giá trị gì trước mặt Chúa. Chúng ta có làm vì danh Chúa và lợi ích các linh hồn hay vì cái TÔI của mình, vì danh tiếng, vì muốn người khác ghi ơn, lệ thuộc vào tình cảm của mình, để đời cho hậu thế… Trước mặt Chúa những điều này không có giá trị. Nhưng dù những việc nhỏ hay việc lớn chúng ta làm vì danh Chúa và với tâm tình yêu mến thì trước mặt Chúa đều có giá trị như nhau. Mọi cái chuẩn của chúng ta đều quy về Chúa dù thành công hay thất bại thì trước mặt Chúa đều có giá trị.
Khi chúng ta thống nhất là chúng ta xác tín những ước mơ của chúng ta, những điều chúng ta tuyên xưng tương hợp những điều chúng ta làm. Tất cả quy về một mối là Thập Giá Đức Giêsu. Trên Thập Giá chúng ta thấy hai sự đối lập nhau nhưng Thiên Chúa dùng đó để vinh danh Thiên Chúa. Một đằng Thập Giá là sự yếu đuối, sự ngu dại đối với con người, nhưng đối với Thiên Chúa là sự khôn ngoan, đối với con người là sự ích kỷ nhưng đối với Thiên Chúa là yêu thương vô biên. Quyền năng của Thiên Chúa thực hiện nơi con người chúng ta, khi chúng ta thấy được điểm giới hạn nơi chúng ta thì chúng ta sẽ thông cảm được những giới hạn nơi tha nhân.