Thiên Chúa 'nhúng tay' vào lịch sử - Thứ Hai tuần 4 Mùa Vọng

Thiên Chúa 'nhúng tay' vào lịch sử - Thứ Hai tuần 4 Mùa Vọng

Thiên Chúa 'nhúng tay' vào lịch sử - Thứ Hai tuần 4 Mùa Vọng

THIÊN CHÚA “NHÚNG TAY” VÀO LỊCH SỬ !

Tl 13,2-7.24-25a; Lc 1,5-25 

Thứ Hai tuần 4 Mùa Vọng, 19/12/2022

Câu chuyện về hai cặp vợ chồng trong các bài đọc hôm nay cho thấy một Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử con người. Ông Manôác và vợ son sẻ không có con, ông Dacaria và bà vợ Êlisabét cũng thế, già cả mà không có con. Thiên Chúa đã can thiệp vào và làm cho họ có con không theo cách thức thông thường. Ông Dacaria bị câm đã trở thành dấu chỉ làm cho dân chúng nhận biết rằng Thiên Chúa đã can thiệp, đã có một cuộc thần hiện! Ở đây, ơn cứu độ được nhìn cách rất cụ thể: Thiên Chúa xoá nỗi tủi nhục không con của họ.

Tôi muốn dùng cách nói Thiên Chúa đã “nhúng tay vào” để chỉ một sự can thiệp tích cực của Thiên Chúa. Và tôi cũng muốn từ đó mà nói đến sự cộng tác của con người. Chính con người cũng phải “vén tay áo lên”, cũng phải “nhúng tay vào” để hoàn thành ơn cứu độ của mình.

Hai mẹ con Samson phải kiêng khem trong ăn uống. Samson trở thành “nadia” (nazir) tức là người được Chúa chọn để làm công việc của Ngài. Người ấy phải có những kiêng khem thích hợp. Ông Gioan Tẩy Giả cũng phải sống nếp sống kham khổ trong sa mạc.

Thiên Chúa là một Thiên Chúa lịch sử, có nghĩa là Ngài tỏ mình trong dòng lịch sử và để hướng dẫn lịch sử ấy đi về sự hoàn tất của nó. Vì thế, để nhận biết Thiên Chúa, chúng ta cũng phải biết nhìn và suy tư về lịch sử chung cũng như cá nhân, và để “làm công việc của Thiên Chúa” thì cũng không gì khác hơn là “nhúng tay” vào cuộc sống hàng ngày. Không biết nhìn thì sẽ không nhận ra Thiên Chúa và hành động của Ngài. Không biết “xăn tay áo lên” thì cũng không có ơn cứu độ và không có sự thánh thiện. Không biết nhìn ra sự thiêng thánh của đời thường, nhiều khi người ta phá hoại công trình của Thiên Chúa khi gây ra bất hoà, loại trừ nhau. Khi “ươn lười”, chỉ ngồi than vãn, chỉ “bàn ra”, mà không tham gia tích cực vào cuộc sống, thì đánh mất cuộc sống của mình và của người khác, thì đánh mất ơn cứu độ.

LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn