Thị kiến của tiên tri Êdêkien về Đền Thờ cho thấy gốc gác tư tế của ông. Sứ vụ tiên tri của ông bên đất lưu đày Babilon gồm hai giai đoạn: trước và sau khi thành Giêrusalem bị sụp đổ (586 tcn). Trong số dân chúng đi lưu đày vẫn có nhiều người không nhận ra tội lỗi của mình, của dân mình, nên vẫn thờ ngẫu tượng. Họ nói với nhau rằng sẽ sớm được trở về quê hương. Tiên tri Êdêkien lên tiếng cảnh tỉnh dân chúng. Đến khi Đền Thờ bị phá hủy thì mọi hy vọng của dân bị sụp đổ, họ thất vọng! Lúc này, vị tiên tri lại lên tiếng nâng đỡ dân chúng và loan báo về ngày giải thoát. Thị kiến về Đền Thờ nằm trong bối cảnh dân cần nâng đỡ này. Hình ảnh được vị tiên tri vẽ ra trổi vượt hơn Đền Thờ cũ nhiều với cảnh nước chảy tràn bờ, nước chảy đến đâu thì sự sống trổ sinh đến đó, cây cối xanh tươi, mỗi tháng có trái mới để ăn, còn lá thì chữa bệnh... Tiên tri hình dung cảnh này nhờ những trải nghiệm tại đất Babilon trù phú thuộc vùng Lưỡng Hà Địa.
Nước ấy xuất phát từ Đền Thờ, nghĩa là sự sống nẩy sinh từ Thiên Chúa. Điều ấy được áp dụng cho Chúa Giêsu. Người bại liệt nhiều năm, thất vọng vì luôn lết đến hồ sau người khác, do đó, sau nhiều năm vẫn chưa được chữa lành. Chúa Giêsu đã đến và chữa lành cho ông. Việc chữa lành này lại được thực hiện vào ngày Sabát, và điều này gây ra cuộc tranh cãi. Nhưng Chúa Giêsu muốn cho thấy rằng ngày Sabát là ngày dành cho Thiên Chúa thì cũng là ngày mang lại sự sống và sự chữa lành.
Ở đây và ở kia, và không phải là ít, đời sống kitô giáo vẫn còn đi ngược lại với ý nghĩa sự sống và sự chữa lành! Đó là lối sống ngược lại với Thiên Chúa, nhưng lại nhân danh Thiên Chúa! Thật là tệ hại! Người thực sự là bạn hữu của Thiên Chúa phải là người có thể mang lại sự sống và chữa lành của Thiên Chúa cho người chung quanh.
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn