Những lời dạy của Chúa Giêsu về việc đừng làm tôi tiền của và hãy có lòng phó thác nơi Thiên Chúa có thể là hai giáo huấn được nói ra trong hai thời điểm khác nhau. Về nội dung, có người cho rằng lời khuyên đừng làm tôi tiền của dành cho người giàu có, còn lời khuyên hãy phó thác cho Thiên Chúa, đừng quá lo lắng về chuyện ăn mặc là lời khuyên dành cho người nghèo. Tuy nhiên, khi được đặt cùng với nhau, người ta cũng có thể nối kết hai phần này lại với nhau được, bởi vì người nghèo cũng có thể là nô lệ tiền của, rất lo lắng làm sao có nhiều tiền, và giữ khư khư khi có chút gì đó! Ngược lại, người giàu có thể là người thiếu lòng phó thác cho Thiên Chúa hơn ai hết, họ muốn tự nắm lấy vận mạng của mình và mọi nỗ lực để có nhiều tiền của cũng là một thứ lo lắng cho mình có nhiều điều kiện để hưởng thụ và bảo đảm cho trọn cuộc đời mình.
Nói cách nào đó, cả hai ý hướng này đều có điểm chung là lo lắng cho mình, với mọi nỗ lực để mình được sung sướng. Và như thế, khi quá bận tâm đến việc kiếm tiền, mối lo lắng mọi lúc mọi nơi để có tiền, và làm bất cứ điều gì để có nhiều tiền khiến người ta thực sự làm nô lệ cho tiền của. Nhưng điều đáng nói là sự nô lệ này lại rất ngọt ngào, tự lòng người ta ước muốn, và người ta nghĩ rằng mình hạnh phúc khi ở trong tình trạng như vậy! Nô lệ mà thấy khổ thì người ta tìm cách thoát ra, còn nô lệ mà thấy sung sướng thì người ta lại lao vào! Và điều thứ hai này mới khó thoát ra, vì người ta có muốn thoát ra đâu, nhưng ngược lại, họ tìm mọi cách ở lại trong tình trạng đó.
Việc tôn thờ tà thần của người Do Thái nói riêng và của nhiều người nói chung, thực ra cũng là một thứ tìm kiếm chính mình. Họ chạy theo vị thần nào có lợi cho mình. Cho nên, “vị thần” thực sự mà họ tìm kiếm lại là bản thân.
Lời khuyên hãy tin tưởng vào Thiên Chúa giờ đây lại mang một ý nghĩa khác với điều mà người ta thường nghĩ. Tin tưởng nơi Thiên Chúa có nghĩa là tin rằng chỉ mình Thiên Chúa mới thực sự mang lại hạnh phúc cho mình, và đó mới là hạnh phúc đích thật. Người ta không nắm được điều này trong tay như nắm tiền của, nên người ta cần phó thác nơi cánh tay Đấng là Thiên Chúa đồng thời là Cha của họ.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn