Người ta thường suy niệm về bí tích Thánh Tẩy của Kitô Giáo nhân ngày lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa. Tôi cũng muốn làm như vậy.
Điều mà bầu khí của Giáo Hội ngày hôm nay mời gọi chúng ta suy tư, đó là sự năng động của những người chịu phép Thánh Tẩy, bởi vì dường như người tín hữu đối diện với bí tích này thụ động quá! Trước hết là tên gọi. Chúng ta quen gọi là Rửa Tội và liên hệ đến hiệu quả của việc tha tội tổ tông. Nhưng nếu gọi là Thánh Tẩy, thì lại khác. Không phải chỉ là tẩy sạch, bởi vì theo ý nghĩa Thánh Kinh, thanh tẩy thường dẫn theo việc thuộc về Thiên Chúa. Lúc đó “tình hình” lại khác hẳn, bởi vì thuộc về Thiên Chúa thì cũng trở nên năng động như chính Thiên Chúa.
Nơi bờ sông Giođan, Đức Giêsu được Chúa Cha gọi là Con Yêu Dấu, được đầy Thánh Thần để hành động, và những người chung quanh được mời gọi nghe theo lời của Đức Giêsu, đi theo con đường của Đức Giêsu. Trở thành kitô hữu thì thuộc về Thiên Chúa như con của Ngài, và thuộc về Giáo Hội như thành viên. Nhưng đó không phải là một tình trạng tĩnh, nhưng rất năng động. Trở thành kitô hữu thì cũng dạt dào tình yêu mến và tri ân để đi nói lại với người khác về ơn được chọn làm nghĩa tử của Thiên Chúa. Trở thành kitô hữu cũng là trở thành con người của Thánh Thần, và cũng là người biết lắng nghe lời dạy bảo của Chúa Giêsu. Thánh Thần làm cho tín hữu luôn hiểu được những điều mới mẻ từ lời của Chúa Giêsu và biết khám phá những con đường mới mẻ để đi loan báo Tin Mừng.
Thánh Gioan trong bài đọc 1 mời gọi hãy tin tưởng rằng Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa để biết nghe lời Ngài. Tiên tri Isaia căn dặn dân sắp rời bỏ nơi lưu đày trở về quê hương rằng: đừng tìm kiếm những điều phù hoa, nhưng hãy biết lắng nghe Lời Chúa: “Hãy lắng tai và đến với Ta, hãy nghe thì các ngươi sẽ được sống.” (Is 55,3)
Sự năng động của người được Thánh Tẩy dựa trên thái độ luôn lắng nghe Lời Chúa dưới sự soi sáng của Thánh Thần và dám nhận ra những lời mời gọi mới để đi những con đường mới.
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn