Người ta không có dữ liệu lịch sử chính xác về song thân của Đức Maria. Lòng sùng kính người sinh ra Đức Maria được gọi tên là Anna, chỉ xuất hiện vào thế kỷ 4 ở Đông Phương và vào thế kỷ 10 ở Tây Phương. Còn lòng sùng kính người sinh ra Đức Maria được gọi tên là Gioakim, chỉ xuất hiện vào thế kỷ 17. Do lòng kính mến với Đức Maria, tín hữu cũng có lòng tôn kính với các vị sinh thành nên Mẹ. Lòng đạo đức của cha mẹ quả thật được truyền sang con cái, điều mà sách Huấn Ca hôm nay gọi là vinh quang của các ngài được truyền qua các thế hệ. Điều này cần được nhắc lại cho thế hệ hôm nay với lối sống “mất ký ức” khi không muốn cưu mang ân tình và thành quả của những thế hệ đi trước, và cũng bất kể hậu quả của lối sống của mình trên thế hệ mai sau.
Tuy nhiên, nguyên điều đó thôi cũng chưa đủ. Ngày lễ hôm nay được Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho việc tôn kính người lớn tuổi. Lòng tôn kính các bậc tiền bối không làm cho chúng ta dừng lại ở những điều bên ngoài, tuân giữ các thói quen từ ông bà, cha mẹ; và thế hệ đi trước cũng đừng dừng lại ở những đòi buộc hình thức nơi thế hệ đi sau. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: anh em có phúc vì thấy và nghe những điều mà những thế hệ trước không có được (x. Mt 13,16-17). Cốt lõi của lòng đạo đức không phải là những tục lệ, những thói quen, nhưng là khám phá điều mà Thánh Thần mời gọi. Và như thế, Thánh Thần vẫn có những lời mời gọi mới mà mỗi thế hệ phải khám phá cho mình. Thánh Thần đó vẫn là một, nhưng luôn luôn mới. Mỗi thế hệ tôn trọng những con đường mà thế hệ trước đã khám phá, đã đi qua; để rồi tới phiên mình, thế hệ sau cũng phải tiếp tục khám phá những bước tiếp theo của lộ trình mà Thánh Thần gợi ra. Cùng một lộ trình nhưng với những nét phong phú và mới mẻ của những giai đoạn khác nhau. Tiếp bước cách thông minh, với tâm hồn mở ra để được Thánh Thần dẫn dắt, đó mới thực sự là tiếp bước cha ông.
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn