Phản kháng dường như là tâm lý rất tự nhiên và thường xuyên của con người, và điều này biểu lộ ra bằng những phản kháng trong tương quan với người khác, trong tương tác với cộng đoàn. Chiến tranh cũng do từ sự phản kháng nơi con người, nơi những cá nhân và mang lấy bộ dạng của chủ nghĩa dân tộc quá khích! Nói cách nào đó, phản kháng do từ bản năng tự vệ của con người. Nhưng khi tinh thần phản kháng không được làm chủ thì nó trở thành thủ phạm gây bất an nơi tâm hồn con người, trong tương quan với người khác và với cộng đoàn!
Người ta cũng có khuynh hướng phản kháng khi đối diện với lời dạy của Chúa. Tội lỗi từ ông bà đầu tiên cho đến mọi thời do từ điều này. Tiên tri Isaia thứ hai nhắc dân nơi đất lưu đày, dân đã từng phản kháng lời dạy bảo của Chúa. Lời Chúa phán như sau:
“Giả như ngươi lưu ý đến mệnh lệnh của Ta,
thì sự bình an của ngươi sẽ chan chứa như dòng sông,
sự công chính của ngươi sẽ dạt dào như sóng biển.”
(Is 48, 18).
Thái độ phản kháng nơi những người Do Thái đương thời đối với Chúa Giêsu cũng được Người ví với những đứa trẻ không cùng nhịp, đi ngược lại với những đứa bạn nhảy nhót, ca hát và thổi sáo!
Cần biết đảm nhận. Tình trạng phản kháng đưa đến nhiều tan vỡ trong các tương quan vợ chồng, gia đình, bạn hữu và cả đời tu nữa! Cần biết đảm nhận hoàn cảnh sống, đảm nhận người khác với những giới hạn của họ. Biết đảm nhận nhau trong cuộc đời là một món quà quý giá và cần thiết cho cuộc sống con người.
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn