Lời Chúa của thánh lễ hôm nay hướng chúng ta về ơn gọi. Chúa Giêsu gọi đích danh từng tông đồ một. Trong đó có những người đã sống mỗi ngày một tốt hơn ơn gọi tông đồ này, cũng có người đã phản bội. Thư thánh Phaolô gửi cho tín hữu Êphêsô trong bài đọc 1 nói về ơn gọi của dân trước kia được gọi là dân ngoại nhưng từ nay đã trở thành dân của Thiên Chúa, thành gia đình của Thiên Chúa. Chúa Kitô đã chữa lành sự thù ghét giữa dân Do Thái và dân ngoại và làm cho họ ăn khớp với nhau để làm thành đền thờ của Thiên Chúa.
Tin Mừng Luca trình bày nơi con người của Đức Giêsu toát ra năng lực chữa lành (x. Lc 6,19). Như vậy, chính những người được gọi để bước theo Ngài cũng phải là người trước tiên được đón nhận năng lực chữa lành này. Những người được gọi này phải để cho Chúa biến đổi từ nóng giận thành hiền lành, từ ghen ghét thành yêu thương, đón nhận nhau, từ thái độ loại trừ thành biết hòa hợp giữa những khác biệt để làm cho cuộc sống con người trở thành việc phụng thờ Thiên Chúa.
Vì là sự chữa lành nên nó liên hệ đến toàn bộ con người chứ không dừng lại như một kỹ năng hay một cách xử thế. Cần thường xuyên chiêm ngắm con người của Đức Giêsu Kitô, cần để cho Ngài chạm đến và chữa lành mình thực sự qua bí tích Hòa Giải, thì dần dần năng lực chữa lành thần linh ấy mới đi vào con người của người được gọi, để rồi đến lượt mình, họ cũng có được nơi mình năng lực chữa lành ấy khi làm cho ai tiếp xúc với họ cũng cảm thấy bình an, niềm vui, cảm nhận được đón nhận, được khơi gợi để lớn lên, để phát triển. Khi có năng lực chữa lành của Thiên Chúa nơi mình, người được gọi không chỉ “làm việc” loan báo Tin Mừng, nhưng chính con người của họ trở thành Tin Mừng, toát ra Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô.
Câu trả lời của Chúa Giêsu cho ông Giuđa Tađêô cho thấy tín hữu chỉ thực sự biết Thiên Chúa khi được Thiên Chúa chạm đến mình, được Thiên Chúa “ở cùng” (x. Ga 14,22-23).
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn