Ông Bilơam là một thầy pháp thuật ở sông Cả, tức là sông Euphrate, là một trong hai con sông chính vùng Lưỡng Hà Địa, quê hương của ông Abraham. Thầy pháp này nổi tiếng có những lời nói rất hiệu nghiệm khi chúc phúc hay chúc dữ cho ai. Ông Balác, vua nước Môáp, lo sợ trước sức mạnh của dân Israel nên mời thầy pháp Bilơam đến chúc dữ cho dân này. Nhưng hai lần, lòng thầy pháp muốn chúc dữ mà miệng thì cứ nói ra lời chúc lành, bởi vì Đức Chúa đặt lời của Ngài nơi môi miệng ông. Đến lần thứ ba, vì ông đã tin và tùng phục Thiên Chúa, nên lòng ông cũng muốn nói lời chúc lành như được soi sáng từ Đức Chúa và ông cũng nói lời tiên tri về “một vì sao xuất hiện từ Giacóp, một vương trượng trỗi dậy từ Ítraen” (Ds 24,17a).
Lời chúc lành là lời đến từ Thiên Chúa. Ai biết nói lời chúc lành, lời cổ võ, lời nâng đỡ, lời khơi lên niềm hy vọng, thì đó là người nói lời của Thiên Chúa. Một lời mời gọi cho Năm Thánh của niềm hy vọng sắp tới là tập nói lời gieo niềm hy vọng. Giai đoạn đầu đời, đứa trẻ được tập nói và người ta luôn dạy nó những lời tốt đẹp, tập gọi “ba”, “mẹ”, tập nói lời yêu thương. Không ai dạy đứa trẻ nói những lời tục tĩu hay chửi rủa! Những không biết từ đâu mà người lớn lại dễ nói những lời cộc cằn, những lời chê bai, những lời ghen tị... Vì thế, người lớn lại phải tập nói một lần nữa, tập nói lời nâng đỡ, lời mang lại niềm hy vọng cho nhau.
Người ta cứ tự biện hộ rằng mình yêu mến người khác, nhưng tại sao miệng lưỡi cứ nói ra những lời tiêu cực! Ngược lại với Bilơam. Những lời tiêu cực ấy đến từ ma quỷ, bởi vì chúng gieo nỗi thất vọng nơi người ta về Thiên Chúa và về người chung quanh. “Rắn nói với người đàn bà: ‘Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác.’” (St 3,4-5).
Là kitô hữu tức là thuộc về Đức Kitô, nhưng không ít khi người ta lại nói lời của quỷ dữ! Hãy bắt chước như Thiên Chúa, như Đức Kitô, hãy nói lên lời chúc lành, lời nâng đỡ, lời mang lại niềm hy vọng cho nhau trong cuộc sống hàng ngày, với những người mà chúng ta sống chung, gặp gỡ và làm việc hàng ngày.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn