Có thể nói Chúa Nhật II Mùa Vọng là “Chúa Nhật giải tỏa mặt bằng”, “Chúa Nhật làm cầu nối hai bờ”.
“Vì Thiên Chúa đã ra lệnh phải bạt thấp núi cao
và gò nổng có tự lâu đời,
phải lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu,
để Ítraen tiến bước an toàn” (Br 5,7)
Và:
“Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3,4-6).
Chính Thiên Chúa chỉ huy dọn đường và chính Ngài đưa dân trở về Giêrusalem với Ngài. Nhưng nói con đường ấy đưa dân về với Thiên Chúa thì chưa đủ, bởi vì dân ấy còn được đưa về đoàn tụ với nhau nữa. Đó cũng là con đường đưa mọi người về với nhau để cùng nhau ca tụng Chúa. Và xem ra phần sau này mới khó! Nói đúng hơn, con đường về với Chúa và với nhau chỉ là một con đường duy nhất.
Thánh Phaolô viết cho tín hữu ở Philipphê:
“Có Thiên Chúa làm chứng cho tôi: tôi hết lòng yêu quý anh em tất cả, với tình thương của Đức Kitô Giêsu. Điều tôi khẩn khoản nài xin, là cho lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào, khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên” (Pl 1,8-9).
Hai tình yêu dành cho Chúa Kitô và cho người khác như quyện lấy nhau, và càng yêu mến nhau thì càng hiểu biết Thiên Chúa, càng có khả năng trực giác về những điều thần linh.
Như vậy, để có thể yêu mến Thiên Chúa và yêu mến nhau thì đều cần đến niềm tin vào Thiên Chúa. Nếu không có niềm tin, người ta không thể vượt qua những lối suy nghĩ và cách đối xử thường tình giữa người với người. Để mà có thể yêu mến tha nhân như Chúa muốn, con người cần đến niềm tin và tình yêu mạnh mẽ vào Thiên Chúa. Điều ấy cũng có thể hiểu ngược lại: khi người ta không thể vượt qua những điều thường tình trong tương quan với người khác, thì điều ấy có nghĩa là niềm tin và tình yêu của họ dành cho Thiên Chúa còn kém cỏi lắm!
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn