Con người ta thường khó nghe lời sửa dạy. Người ta hay la rầy trẻ em là cứng đầu, nhưng xem ra người lớn cũng cứng đầu không kém! Khi trải qua bề dày của cuộc sống, người ta hình thành những lập trường, những lối suy nghĩ riêng, những kinh nghiệm... khiến cho người ta thường muốn đi theo “con đường mình đã đi qua”. Càng thêm tuổi, thêm chức vị, thì danh dự càng nhiều, tự ái càng lớn, nên người ta dễ phản kháng, dễ tấn công ngược lại. Nhiều khi lý lẽ của người ta chỉ là một thứ bảo vệ chính mình thôi.
Đó chính là điều xảy ra cho ông Êlia. Ông được sai đến trước Đấng Messia để “chỉnh đốn mọi sự” (Mt 17,11), nhưng người ta “đã xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế” (17,13). Đức Giêsu nói rằng các tiên tri trước đó cũng bị đối xử như vậy và chính Ngài cũng không khác gì!
Tôi sống và làm việc ở hai nơi. Một nơi, người ta đổ bê tông sân chơi, nhưng rồi rễ cây trồi lên làm nứt bê tông và làm nghiêng bồn cây xây bằng gạch. Một nhà khác, người ta chi trải sân bằng cát và đặt gạch lên. Khi rễ đẩy gạch lên, người ta chỉnh trang lại và lại đặt gạch trở lại. Rễ lớn lên, đó là dấu hiệu của cây đang lớn mạnh. Những gì không ăn khớp cần chỉnh trang lại cho sự phát triển ấy. Cuộc sống cũng thế. Muốn lớn lên, muốn phát triển, cần phải chấp nhận những trục trặc, bất ổn và biết tìm cách để thích ứng. Chính những điều tưởng là “phá rối”, nếu biết cách đối diện, người ta sẽ phát triển. Người ta thường muốn và cầu xin cho cuộc sống được bình an, được diễn ra đều đặn, nhưng như thế là sức sống không mạnh, không biến đổi, không phát triển. Sống một mình thì bình yên, nhưng đó là tình trạng “trầm cảm”, “tự kỷ” theo nghĩa nào đó. Mở ra với người khác, với những điều khác, đòi người ta phải suy nghĩ, phải tìm cách phối hợp. Mệt đầu, nhưng lại làm người ta lớn lên. Vì thế, khi phản kháng, gạt bỏ những thay đổi là người ta đang làm cho cuộc sống của mình trở nên còi cọc, và đó là người yếu đuối! Dám đối diện và biết cách đối diện với những khác biệt, những đa diện, những đòi hỏi của cuộc sống, người ta sẽ trưởng thành, sẽ đi vào được chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Con đường cứu độ không êm ả đâu, nhưng đầy biến động, đòi sửa chữa, cần thay đổi để đáp trả. Con đường cứu độ là một hành trình với những phiêu lưu, biến động, đòi phân định cách tỉnh táo và đòi dấn thân.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn