Nỗi lo lắng của kiếp người và khát vọng chiếm hữu - Thứ Hai Tuần XXIX - Mùa Thường Niên

Nỗi lo lắng của kiếp người và khát vọng chiếm hữu - Thứ Hai Tuần XXIX - Mùa Thường Niên

Nỗi lo lắng của kiếp người và khát vọng chiếm hữu - Thứ Hai Tuần XXIX - Mùa Thường Niên

Nỗi lo lắng của kiếp người và khát vọng chiếm hữu

Ep 2,1-10; Lc 12,13-21

Thứ Hai Tuần XXIX - Mùa Thường Niên

21/10/2024

 

Ước muốn chiếm hữu của con người là biểu hiện của nỗi lo lắng của kiếp người. Họ sợ bị bỏ rơi nên tìm cách chinh phục, thu hút, ghen tỵ và thể hiện quyền bính trên người khác. Họ cảm thấy cuộc sống không an toàn, không biết tương lai về đâu, nên muốn chiếm hữu thật nhiều của cải, tài sản, tìm kiếm địa vị. Nhưng Đức Giêsu lại nói: “không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” (Lc 12,15). Nỗi lo lắng đưa đến hành vi chiếm hữu đã sinh ra biết bao đổ vỡ cho đời mình và cho đời sống của bao người chung quanh. Ngay cả các gia đình, các cộng đoàn đức tin cũng bị đổ vỡ vì khát vọng chiếm hữu về nhiều mặt!

Ngay cả trong đời sống đạo, người ta cũng lo lắng về việc chiếm hữu Nước Trời nên cũng nỗ lực làm việc đạo đức, thực hành điều lành để tích trữ công đức cho cuộc sống mai sau. Đây là điều tốt. Thế nhưng ông Phaolô nói với chúng ta từ một cách nhìn khác nữa, đó là hãy có niềm tin cậy vào Thiên Chúa. Con người có trải nghiệm về sự yếu đuối của bản thân, sự nghiêng chiều về điều dữ hiện diện ở nơi sâu xa của lòng mình. Chính ông Phaolô cũng cảm nhận điều đó nơi mình. Thế nhưng ông lại có một trải nghiệm khác nữa, đó là ngay trong tình trạng tội lỗi của bản thân thì Thiên Chúa vẫn yêu thương và chọn gọi ông. “Tất cả chúng tôi xưa kia cũng thuộc hạng người đó, khi chúng tôi buông theo các đam mê của tính xác thịt, thi hành những ước muốn của tính xác thịt và của trí khôn. Bẩm sinh chúng tôi là những kẻ đáng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, như những người khác. Nhưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ! (Ep 2,3-5).

Vậy, ông Phaolô mời gọi thái độ đừng ỷ lại vào việc làm hay công trạng gì của mình, nhưng hãy tin tưởng vào tình thương cứu độ của Thiên Chúa thể hiện qua Đức Giêsu Kitô. Niềm tin này làm cho tín hữu bình an. Sự bình an này không làm cho kitô hữu ỷ lại, buông thả, nhưng càng nỗ lực hơn nữa do lòng tri ân đối với Thiên Chúa.

Hãy nhìn lại tâm tư của mình, cuộc sống của mình xem có gì không an, có gì bất ổn? Và phải chăng tâm tư đó khiến tôi tìm cách chiếm hữu điều này hay điều kia khiến cho cuộc sống càng bất ổn? Hãy tin tưởng vào tình thương Thiên Chúa và hãy sống cho tình thương thần linh này.

Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn