Vua đế quốc Babilon là Nabucôđônôso đã chiến thắng và xóa sổ vương quốc Giuđa miền nam. Vua quan và dân chúng Giuđa bị bắt đi đày. Đây là cuộc lưu đày thứ hai. Sách Các Vua quyển thứ hai mô tả nhiều thế hệ vua chúa đã phản bội Thiên Chúa và chạy theo các thần tượng địa phương! Như thế, trước khi họ trở thành nô lệ Babilon, thì họ đã là nô lệ cho tà thần rồi.
Nơi bài Tin Mừng, người ta thấy được người phong cùi rất “tự do”. Một người ở trong đau khổ cùng cực của bệnh phong cùi, đau đớn và bị loại trừ, thế mà anh vẫn làm chủ chính mình để có thể nói với Đức Giêsu: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” (Mt 8,2). Anh vẫn tôn trọng ý muốn của Đức Giêsu chứ không chỉ thấy nỗi khổ riêng của mình! Đứng trước thái độ đó, Đức Giêsu nói: “Tôi muốn, anh hãy được sạch.” (Mt 8,3).
Phần Đức Giêsu, Ngài cũng là con người tự do. Ngài không muốn vì việc chữa lành kia mà người dân kéo đến với Ngài để suy tôn Ngài. Người đến với Ngài như thế cũng chỉ dừng lại ở bệnh tật của chính họ. Đức Giêsu nói với người phong cùi được sạch: đừng nói với ai.
Cuộc sống con người có nhiều hình thức nô lệ khác nhau. Có những người đầy quyền lực trên thế giới, quá ư giàu có, nhưng họ vẫn là những con người nô lệ cho đam mê, chạy theo quyền lực, danh dự, tìm kiếm sự giàu có cách mù quáng và bất chấp tất cả. Có những cuộc giải phóng đẫm máu, đầy hận thù, thì thực sự người ta không có tự do. Trong đời sống hàng ngày của mỗi người vẫn có những biểu hiện của sự nô lệ khi tìm cách khẳng định bản thân, lo âu tìm kiếm vị trí của mình trong lòng người khác, nóng nảy, chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân... Biết bao nhiêu hình thức của sự nô lệ, trong khi đó thì họ lại chỉ muốn tự do bằng cách “thoát khỏi” Thiên Chúa! Thật là mù quáng và dại dột, bởi vì chỉ khi người ta tuân phục Thiên Chúa thì họ mới thực sự tự do!
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn