“Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình.” (Pl 2,3). Lời này của thánh Phaolô có thích hợp trong một xã hội cạnh tranh, tìm cách để thăng tiến bản thân như ngày hôm nay kôm nay không?! Nhưng điều gì mà người ta có được trong lối sống cạnh tranh và tìm thăng tiến bản thân ngày nay? Đúng là nhiều thứ được thăng tiến, được cải thiện. Tuy nhiên, bên cạnh đó, không ít những điều tồi tệ cũng diễn ra. Người ta đang bước vào thế kỷ 21 một cách tồi tệ nhất với biết bao cuộc chiến khốc liệt. Trong khi người ta đòi hỏi phải có lòng bao dung qua sự chấp nhận đa dạng trong mọi lãnh vực thì chính những người đòi hỏi ấy lại là những người loại trừ người khác cách tàn ác hơn ai hết! Người ta nhìn thấy thái độ tìm kiếm bản thân quá rõ ràng trong xã hội hôm nay. Bản thân trở thành tiêu chuẩn để đánh giá mọi sự. Chính điều này đưa đến sự loại trừ tha nhân!
Thánh Phaolô xin các tín hữu Philipphê hãy làm cho niềm vui của ngài nên trọn vẹn khi họ biết hiệp nhất và yêu thương nhau. Và cách để thực hiện sự hiệp nhất và yêu thương ấy là hãy khiêm hạ coi người khác trọng hơn mình. Nhưng tại sao lại phải coi người khác hơn mình?! Coi bằng mình thì đã là quá lắm rồi! Đó là thái độ vượt trên sự sòng phẳng gây ra cạnh tranh, giành giựt. Đó là cách để giúp người ta vượt trên cái tôi ích kỷ, đầy tự phụ, đầy tự ái; không lấy mình là trung tâm, làm tiêu chuẩn, để biết tìm niềm vui cho người khác.
Bằng một cách thức khác, Đức Giêsu dạy đừng mời dùng bữa những người có thể mời trả lại mình. Đó là cách sống không tìm kiếm chính mình nhưng tìm cách mang lại niềm vui cho tha nhân. Niềm vui thực sự của tôi không nằm ngoài niềm vui tôi dành cho anh chị em mình, nhưng quyện lại với nhau, tác động hỗ tương nhau.
Thánh Carôlô được cậu là đức giáo hoàng Piô IV đặt làm hồng y và giám mục Milano, nhưng ngài không lợi dụng vị trí ấy để tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng sống hết lòng vì Hội Thánh, cho công cuộc canh tân hàng giáo sĩ và cho việc chăm sóc giáo dân.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn