Một cuộc khảo sát nơi giới trẻ Mỹ được những người thực hiện đúc kết với từ ngữ chuyên môn là Thần luận chữa lành mang tính chất đạo đức (moralistic therapeutic Deism). Đó là khuynh hướng của những người có muốn sắp xếp cho cuộc sống bình an, có tương quan tốt lành với mọi người, và họ thực hành điều đó bằng lối sống tốt lành của mình. Với họ, tôn giáo nào và ngay cả không có tôn giáo nữa cũng không quan trọng, nhưng cứ sống bình an với nhau. Khác biệt tôn giáo không phải là cớ gây ra xung đột! Thiên Chúa được quan niệm như vị thần ở xa xa, không quan tâm đến cuộc sống con người và để cho con người tự sắp xếp cuộc sống của họ.
Chúa Giêsu báo cho các môn đệ rằng họ sẽ bị bắt bớ vì đức tin. Trong dòng lịch sử, các tôn giáo cũng bách hại nhau, đả kích nhau nhân danh đức tin. Tôi tự hỏi: tại sao đức tin lại là cớ cho bạo lực nhỉ?! Nhưng nghĩ kỹ lại, tôi nhận ra rằng: đức tin chỉ là cái cớ được đưa ra để thể hiện sự háo thắng, thể hiện máu bạo lực của con người thôi! Trải qua nhiều thế kỷ, xã hội Âu Châu mang đậm nét kitô giáo. Thế rồi, người ta phản kháng, đòi tự do trong niềm tin, và họ gọi khuynh hướng đó là bao dung (tollerance). Nhưng rồi khi thực hiện, người ta lại đập phá mọi dấu vết lịch sử kitô giáo, lên án mọi thứ đã ăn sâu vào văn minh Âu Châu, thành ra cách hành xử ấy lại mang tính bất bao dung (intolerance)! Người ta có dòng máu bạo lực, cho nên niềm tin trở thành cái cớ để thể hiện bạo lực từ trong lòng người.
Phải chăng người ta không có sự bình an nội tâm sâu xa, không được chữa lành nhờ đức tin, nên ngay trong các sinh hoạt tôn giáo, người ta vẫn thể hiện ra những hành vi, những lời nói bạo lực?!
“Bình an cho anh em”, “vào nhà nào, anh em hãy nói: bình an cho nhà này!”. Chúa Giêsu phục sinh bảo các tông đồ hãy đi loan báo lòng tha thứ và kêu mời người ta sám hối! Những lời này của Chúa Giêsu rất cần các kitô hữu nghiền ngẫm trong lòng và làm cho cuộc đời mình được biến đổi để trở nên sứ giả của bình an.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn