Người ta cho rằng trong đoàn lữ hành về đất hứa, có một nhóm muốn gạt ông Môsê ra và kéo dân theo họ. Vì thế, khi ông Môsê ở trên núi quá lâu, họ muốn dựng một hình tượng khác thay cho Hòm Bia giao ước của ông Môsê. Con bê vàng là hình tượng thần linh của dân phương Đông thời đó. Họ muốn người ta hướng về Đức Chúa qua hình tượng đó. Trong khi với Hòm Bia, Thiên Chúa được coi là hiện diện trong khoảng không ở giữa mà hai thiên thần hướng nhìn vào. Người ta không được “tạc hình tượng” Thiên Chúa theo ý mình.
Người đương thời với Đức Giêsu có sẵn một hình ảnh về Đấng Messia, và ai “vừa khớp” với hình ảnh ấy, họ mới nhìn nhận là Đấng Messia! Mà hình ảnh họ vẽ ra đó có nhiều “mối lợi” cho họ, đáp ứng những gì họ mong mỏi. Vì thế mà Đức Giêsu nói họ chỉ tìm vinh quang lẫn nhau thôi chứ không thực sự yêu mến Thiên Chúa (x. Ga 5,41-44).
Trong sứ điệp Mùa Chay, Đức Thánh Cha Phanxicô nói về những ngẫu tượng do chính con người dựng nên cho mình. Người ta muốn dựng nên một vị thiên chúa theo ý mình, hay nói cách khác là người ta tôn thờ chính mình. Điều đó cùng dạng thức với tội Adam-Eva. Đó là tội tôn thờ chính mình, là một thứ làm nô lệ chính mình, với những đam mê bản thân.
“Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người.” (1Cr 9,19)
Thánh Phaolô tìm mọi cách để chinh phục nhiều người về cho Chúa Kitô, ngay cả nếu ngài phải làm mọi thứ để phục vụ cho người khác. Đây là người nô lệ nhưng đầy tự do.
Nhận ra tôi đang nô lệ điều gì, nhận ra tôi đang nô lệ chính bản thân mình, ý muốn của mình, ý tưởng về sự hoàn thiện do mình vẽ ra..., đó là bước đầu của sự tự do. Hướng về Đức Kitô, mở ra cho Thiên Chúa và bước theo Thánh Thần, đó là sự tự do đích thực.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn