Nghe, hiểu và nói được ngôn ngữ của người khác - Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Nghe, hiểu và nói được ngôn ngữ của người khác - Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Nghe, hiểu và nói được ngôn ngữ của người khác - Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

NGHE, HIỂU VÀ NÓI ĐƯỢC NGÔN NGỮ CỦA NGƯỜI KHÁC 

Cv 2,1-11; 1Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23 

Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, 28/05/2023

Mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, các tín hữu dễ để mình coi đó như là một thánh lễ cần tham dự, vậy thôi. Và đó lại là ngày lễ kết thúc Mùa Phục Sinh, nên ngày lễ này cũng dễ làm cho người ta có cảm giác xong rồi, đã hoàn tất. Nhưng không phải, Chúa Thánh Thần mở ra một chân trời mới, rất rộng và nhiều thách thức.

Hai bài đọc 1 và 2 nói về sự đa dạng của những ân ban thần linh và mời gọi sống sự đa dạng của ân ban ấy. Đối với tôi, điều khó khăn thuộc hàng “top” là sống sự đa dạng này cách phong phú. Giỏi lắm là chịu đựng những khác biệt của người khác! Nhưng chẳng lẽ tôi phải chịu đựng ân ban của Chúa Thánh Thần?! Nghe không ổn rồi! Vấn nạn là ở chỗ tôi coi mình là nhất, chỉ có ý tưởng của mình là đúng và mọi người phải theo ý muốn của tôi!

Ý tưởng về “ơn ngôn ngữ” giúp chúng ta biết phải làm thế nào trước những ân ban khác biệt của Thánh Thần. Sách Công Vụ nói các tông đồ nói được nhiều thứ tiếng khác nhau (x. Cv 2,4). Nhưng điều này phải hiểu thế nào? Những người nghe chia theo nhóm ngôn ngữ, rồi mười một tông đồ giảng những bài giảng khác nhau chăng? Nhưng mười một vị mà có đến mười hai nhóm ngôn ngữ được kể ra! Ngay sau đó, người viết nói dân chúng đến từ nhiều nguồn gốc khác biệt: người từ Roma, người Do Thái, người ngoại theo đạo Do Thái, người từ đảo Crêta, người từ Ả Rập. Vậy chắc là ơn ngôn ngữ này mang ý nghĩa sâu xa hơn. Nếu “ơn ngôn ngữ” chỉ là “ơn ngoại ngữ” thì ơn đó đã hết rồi hoặc ngày nay chỉ có nơi những người giỏi ngoại ngữ. Có điều gì còn xa hơn là ơn ngoại ngữ.

Để nghe hiểu và nói được tiếng nói của người khác, đó là ân ban sâu rộng của Thánh Thần mà mọi người đều được mời gọi đón nhận và sống ân ban ấy. Nhiều người nghe các tông đồ, nhưng họ đâu có tin vào lời rao giảng ấy! Nghe, muốn hiểu “tiếng nói” của người khác, và rồi còn nói được “tiếng nói” của người khác nữa, đó là những ân ban cho mọi người. Mọi người muốn được nghe và được hiểu. Mọi người cần biết nói “tiếng nói” của người khác để có thể gặp gỡ nhau. Đây là những ân ban của Thánh Thần, nhưng cũng là lời mời gọi mỗi người, là trách nhiệm của mỗi người nữa! Hãy ra khỏi cái tôi ích kỷ, chỉ quan tâm đến bản thân thôi, để mở lòng ra cho người khác, thì mới có thể nghe, hiểu và nói được tiếng nói của người khác.

LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn