Ngây ngô trong đức tin - Thứ Bảy Tuần I Thường Niên

Ngây ngô trong đức tin - Thứ Bảy Tuần I Thường Niên

Ngây ngô trong đức tin - Thứ Bảy Tuần I Thường Niên

NGÂY NGÔ TRONG ĐỨC TIN !

Hr 4,12-16; Mc 2,13-17 

Thứ Bảy Tuần I Thường Niên, 14/01/2023

Khi nói về sự ngây ngô trong đức tin, người ta có thể nghĩ đến sự cả tin (dễ tin) với những lời đồn đoán về phép lạ. Tuy nhiên, hôm nay, các bài đọc chỉ cho chúng ta thấy những thứ ngây ngô khác nữa trong đức tin.

Đầu tiên là sự ngây ngô nơi thái độ “che giấu” sai sót, tội lỗi của mình trước mặt Thiên Chúa! Bài đọc trong thư Hipri diễn tả điều đó với hình ảnh của gươm hai lưỡi xuyên thấu tâm can:

“Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ.” (Hr 4,12-13)

Con người ngây ngô vì hay tự biện hộ về lỗi lầm của mình, không chỉ là trước mặt người khác mà còn trước mặt Thiên Chúa nữa! Và sự ngây ngô ấy ảnh hưởng đến thái độ trốn tránh trước Lời Chúa, khi Lời ấy chạm đến khuyết điểm của mình! Bỏ qua một bên những áy náy khi nghe Lời Chúa! Từ ngây ngô đưa đến trốn tránh!

Sự ngây ngô thứ hai là không đủ tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Khi trình bày Lời Chúa như gươm hai lưỡi xuyên thấu tâm can, tác giả thư Hipri muốn đưa đến điều kế tiếp là: khi nhận ra tội lỗi của mình thì cũng hãy tin tưởng vào vị Thượng Tế đầy lòng thương xót. Không tin tưởng vào lòng thương xót này là một đức tin chưa trưởng thành, bởi vì Thiên Chúa của Kitô Giáo không phải là một Thiên Chúa trừng phạt, nhưng là vị Thiên Chúa cứu độ!

Sự trưởng thành đưa con người đến thái độ chân thành với những giới hạn của mình và kèm theo đó là lòng tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Khi không đủ trưởng thành trong đức tin, người ta lẩn trốn tội lỗi của mình, tự biện hộ, tưởng mình thánh thiện lắm và do đó trở nên người kết án tha nhân, như những người Pharisêô trong bài Tin Mừng hôm nay! Và cũng có thể nói ngược lại: người hay kết án người khác, hay bơi móc những khuyết điểm của người khác, hay cáu giận về giới hạn của người khác... cũng là người chưa trưởng thành trong đức tin, bởi vì họ không đủ ý thức về tội lỗi, giới hạn của mình, và cũng không cảm nhận sâu xa về lòng bao dung của Thiên Chúa dành cho mình, không hiểu được lòng bao dung của Thiên Chúa dành cho mọi người!

 

LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn