Một lần cuối xuống và hai lần quay lại
Cv 2,36-41; Ga 20,11-18
Ngày thứ ba trong tuần Bát Nhật Phục Sinh, 22/04/2025
Tác giả Tin Mừng thứ tư kể chuyện bà Maria Mácđala gặp Đấng phục sinh với 2 động từ: một hành động “cúi xuống” và hai lần “quay lại”. Đang ở trong tâm trạng đau buồn vì mất xác Đức Giêsu, bà cúi xuống nhìn vào trong mộ. Cái nhìn của bà lúc ấy chỉ dừng lại ở cái chết của Đức Giêsu. Vì thế mà khi có hai thiên thần ngồi ở đầu và ở cuối chỗ đã đặt xác Đức Giêsu, bà không ngạc nhiên gì về hai vị này, dường như không nhận ra đó là các thiên thần, không nhận ra hiện tượng lạ. Bà chỉ quan tâm đến việc người ta đã lấy mất xác Đức Giêsu. Cũng chính vì thế mà khi quay lại lần thứ nhất, thấy và nghe Đức Giêsu hỏi tại sao khóc, bà chỉ nghĩ đó là người làm vườn đã di chuyển xác Đức Giêsu đi chỗ khác. Những cảm xúc và cái nhìn trần thế chỉ cho bà thấy như thế thôi. Nhưng khi nghe Đức Giêsu gọi đích danh “Maria”, thì bà nhận ra Đức Giêsu, người đã chết mà nay đang đứng trước mặt bà. Bà đã nhận ra Đấng phục sinh và kêu lên: “Rápbuni”, là cách gọi Rápbi (Thầy) cách long trọng.
“Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giêsu đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giêsu...
Đức Giêsu gọi bà: ‘Maria!’ Bà quay lại và nói bằng tiếng Hípri: ‘Rápbuni!’ (nghĩa là ‘Lạy Thầy’).” (Ga 20,14 và 16).
Cả hai lần, bản văn đều dùng chung một động từ “strephein” (στρέφειν) nghĩa là “quay lại”, nhưng lần thứ nhất động từ ở thể bị động: “bị quay lại” (estraphē/ ἐστράφη), còn lần thứ hai ở thể chủ động: “quay lại”. Lần thứ nhất, bà Maria chỉ bận tâm chuyện mất xác nên chủ động quay mặt ra khỏi mồ để đi tìm xác, và vì thế, cũng chỉ nhìn thấy Đức Giêsu như là ông làm vườn đã mang xác Đức Giêsu đi mất. Còn lần thứ hai, bà nghe Thầy Giêsu gọi đích danh mình, bà đã chủ động quay lại và đã nhận ra Đấng phục sinh. Cái quay lần thứ nhất mang ý nghĩa “đổi hướng” (change direction), còn lần quay thứ hai mang ý nghĩa thay đổi não trạng, thay đổi cách nhìn (converted).
Khi người ta dừng lại ở cái nhìn thấp lè tè mang tính con người, như Maria nhìn vào mồ, thì người ta không nhận ra sự hiện diện của Chúa. Nhưng khi được Chúa chạm vào, được Chúa gọi đích danh, thì người ta mới thoát được sự luẩn quẩn của con người để nhận ra Chúa đang hiện diện, Chúa đang hoạt động cách sống động trong cuộc đời của mình.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn