Các bài ca về Người Tôi Trung của Chúa thường mang hai ý nghĩa trái nghịch nhau. Với bài ca thứ nhất được đọc hôm qua, người tôi trung vừa là người thực thi công lý cho đến cùng, vừa là người hiền dịu, bao dung! Với bài ca thứ hai hôm nay, người tôi trung được chọn và “được nhào nặn” từ trong bụng mẹ, được giao cho rất nhiều trách nhiệm để làm vinh danh Đức Chúa, không chỉ trước mặt dân Israel, nhưng còn trước mặt muôn dân nữa. Thế nhưng, người tôi trung ấy làm cảm thấy không thu được kết quả gì: "Phần tôi, tôi đã nói: Tôi vất vả luống công, phí sức mà chẳng được gì." (Is 49,4)
Người tôi trung ấy là hình ảnh của Đức Giêsu. Ngay nơi nhóm Mười Hai mà Ngài huấn luyện kỹ lưỡng, thì dường như Ngài cũng thất bại: Giuđa bán thầy, Phêrô chối thầy, và các môn đệ khác rồi sẽ bỏ trốn hết! Phải chăng Đức Giêsu đã luống công vô ích?!
Nhưng thử hỏi: thế nào được coi là có kết quả? Phải chăng là con số đông đảo những người ghi danh làm kitô hữu, hay là những cơ sở vĩ đại, tiện nghi, hay là quyền uy của Giáo Hội vượt trên tất cả, mọi người bị buộc phải tuân theo chỉ dẫn của Giáo Hội, và nếu ai không làm theo thì sẽ bị ném đá cho chết?! Đó là cách nghĩ của con người. Tư tưởng của Thiên Chúa được thể hiện nơi người tôi trung của Ngài thì dường như ngược lại. Một Đức Giêsu vẫn cứ hiền hậu với người phản bội mình, vẫn cứ kiên nhẫn trước những yếu đuối của người chối bỏ mình, vẫn tin tưởng giao cho người ấy trách nhiệm củng cố niềm tin cho anh em khác. Người lãnh đạo ý thức sâu xa về sự yếu đuối của mình, đó là điều Đức Giêsu muốn nơi ông Phêrô. Thật là khác xa với suy nghĩ của con người. Tôi nghe nói Giáo Hội Đức đã cho phép những người ly dị-tái hôn vẫn được làm giáo lý viên.
Liệu có phải là Giáo Hội mà Chúa Kitô mong muốn khi Giáo Hội ấy chỉ bao gồm những người đạo đức, trong sạch và loại trừ những người được coi là tội lỗi?! Cách hành xử này vẫn thường xảy ra nơi các cộng đoàn kitô hữu đấy. Một Giáo Hội trưởng thành, một cộng đoàn trưởng thành phải chăng là một cộng đoàn đón nhận và cưu mang được những thành viên đầy giới hạn của mình? Phải chăng chính điều đó làm cho Giáo Hội, làm cho cộng đoàn có thể làm chứng về “lòng thương xót nghịch lý” của Thiên Chúa được thể hiện từ ngay chính nơi bản thân mình?!
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn