Khi nói về việc loan báo Tin Mừng thường người ta nói đến việc dấn thân cho những vùng đất xa xôi, loan báo cho những người nghèo khổ, văn hoá văn minh còn ít ỏi... Thế nhưng, điều hàng ngày mà các kitô hữu phải đối diện là chính môi trường sống của mình, với những người quen thuộc. Quen thuộc có thể là những người mình có mối gặp gỡ thường xuyên và cũng là những người đã là kitô hữu lâu năm. Tôi muốn suy tư về nhóm người thứ hai này. Tại sao vậy?
Nói cách chung, dường như những người dân không phải là kitô hữu cảm thấy nơi Tin Mừng có điều gì đó hay hay, hoặc ít là cũng làm họ quan tâm. Tuy nhiên, có điều trớ trêu là không ít kitô hữu, ngay cả những người tu hành, lại nghe lời Tin Mừng theo thói quen, và thêm nữa, có khi có thái độ đi tìm con đường khác, cách sống không phải là Tin Mừng. Câu nói khá quen thuộc giữa những người tu là: anh/ chị thánh thì làm theo lời Chúa đi, còn tôi là người phàm không làm được! Trong cộng đoàn đời tu mà người nào nỗ lực sống tốt thì lại bị chọc ghẹo! Trong bầu khí đó, những người có đạo lại ngại nói với nhau về Tin Mừng, về những lời mời gọi của Chúa, bởi vì người nói sẽ bị phản kháng! Thế mới nghịch lý!
Ông Phaolô viết: “tôi là sứ giả của Tin Mừng này cả khi tôi đang bị xiềng xích. Anh em hãy cầu xin cho tôi để khi rao giảng Tin Mừng tôi nói năng mạnh dạn, như bổn phận tôi phải nói.” (Ep 6,20). Những người phản kháng ông lại là những người có đạo, những người Do Thái theo kitô giáo! Và chính Chúa Giêsu trước đó cũng bị những người được gọi là “đàn gà” của Ngài phản đối, chối bỏ: “Giêrusalem, Giêrusalem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu.” (Lc 13,34).
Loan báo Tin Mừng cho “người quen” là một thách thức lớn! Tôi được mời gọi tự tin vào con đường của Tin Mừng, dám nói và sống Tin Mừng cách thanh thản, bình an và hạnh phúc.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn