Hành động của ông Phaolô khi mang môn đệ Timôthê đi cắt bì “vì nể các người Do Thái ở những nơi ấy” (Cv 16,3) có khi được coi là sự khôn ngoan trong việc mục vụ, để tránh những chống đối của người Do Thái! Tuy nhiên, người ta sẽ phải giải thích thế nào về thái độ của ông Phaolô trong thư Galata khi chống lại việc cắt bì và khoe rằng: “ngay cả anh Titô, người cùng đi với tôi và là người Hy-lạp, cũng không bị ép phải chịu cắt bì.” (Gl 2,3). Ông còn viết tiếp cho tín hữu Galata cách mạnh mẽ rằng: “Phải, tôi đây, Phaolô, tôi nói cho anh em biết: anh em mà chịu phép cắt bì thì Đức Kitô sẽ không có ích gì cho anh em.” (Gl 5,2). Đây là cung giọng mang tính chất tín lý, liên quan đến niềm tin. Phải chăng hai thái độ này đối nghịch nhau?!
Các chuyên gia Thánh Kinh nói rằng: có lẽ thư Galata được viết sau công đồng Giêrusalem một thời gian. Như vậy, ngay sau công đồng, trong khi đi phổ biến về quyết định của công đồng về việc không buộc phải cắt bì, thì ông Phaolô lại đưa ông Timôthê đi cắt bì vì e sợ người Do Thái! Còn giáo lý của thư Galata được trình bày sau đó một thời gian. Như vậy, có thể nói rằng trước đó ông Phaolô đã chọn thái độ được gọi là “khôn ngoan mục vụ” vì e sợ bị chống đối, nhưng sau đó, ông đã sửa lại nơi thư Galata!
Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: nếu người ta đã ghét Thầy, ngược đãi Thầy, thì họ cũng sẽ cư xử không khác gì đối với các môn đệ. Như vậy, muốn sống Tin Mừng, muốn theo bước chân của Thầy Giêsu thì cũng phải chấp nhận sự phản kháng của người đời thôi! Khôn ngoan mục vụ đúng nghĩa không phải là một thứ khôn ngoan của người đời được mang danh nghĩa mục vụ! Hãy bước theo Thầy và chấp nhận cùng vận mệnh với Thầy của mình!
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn