Người Việt Nam ngày nay không còn có được bầu khí nghỉ ngơi, an vui vào những ngày Tết như ngày xưa nữa. Ngay từ mùng 2, có khi cả mùng 1 Tết nữa, đã có những người phải buôn bán, làm lụng. Họ muốn kiếm thêm chút đỉnh để cải thiện cuộc sống. Có những người không có đủ điều kiện tài chánh để về quê ăn Tết thì ở lại thành phố, kiếm chỗ làm thêm để được tiền nhiều hơn ngày thường gấp mấy lần! Lo toan về cuộc sống, về cuộc mưu sinh, khiến người ta không còn được thảnh thơi vui Tết bên gia đình! Mà tâm trạng ấy không chỉ có vào những ngày Tết, mà kéo dài trong suốt năm!
Bầu khí mà các bài đọc trong thánh lễ Tân Niên mang lại cho chúng ta là bình an và niềm vui, vượt trên mọi lo lắng. Mô tả về việc Thiên Chúa tạo dựng mặt trời và mặt trăng không được tác giả gọi tên chúng chính xác như thế, mà chỉ gọi là “những vầng sáng trên vòm trời”, “vầng sáng lớn”, “vầng sáng nhỏ”. Có lẽ để tránh nói về thần mặt trời và thần mặt trăng mà các dân ngoại thờ phượng. Trình thuật cho thấy chúng không phải là thần thánh, mà chỉ là thụ tạo của Thiên Chúa. Chúng chỉ có tác dụng soi sáng, đánh dấu ngày đêm, tháng năm. Mặt trời, mặt trăng cũng cho thấy người ta có lúc để làm việc, có lúc để nghỉ ngơi. Khởi đầu một ngày mới, năm mới, cũng là lúc để con người có một bắt đầu mới, bỏ qua những nhọc nhằn, vất vả, đau buồn của quá khứ để bắt đầu lại.
Tuy nhiên, với khởi đầu mới, người ta cũng có tâm trạng lo âu, không biết thời gian tới sẽ như thế nào!
“Anh em đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa là bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Kitô Giêsu.” (Pl 4,6-7).
Bình an mà Thiên Chúa ban vượt trên sự hiểu biết của chúng ta. Hãy tín thác vào Người và hãy chuyên cần làm việc thiện (x. Pl 4,8). “Thưa anh em, anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!” (Pl 4,4).
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn