Khát vọng hoà bình là khát vọng sâu xa của con người qua mọi thời đại. Ai cũng muốn bình an. Ngay cả những người làm ăn phi pháp cũng muốn được “trót lọt”, và người gặp hoạn nạn luôn cầu mong cho “tai qua nạn khỏi”! Cảnh hoà bình trên núi thánh được diễn tả trong đoạn sách Isaia hôm nay nói lên khát vọng sâu xa ấy của con người. Đó là sự bình an giữa con người với nhau và với vạn vật nữa trong sự hiện diện của Thiên Chúa, khi mọi người sống theo giáo huấn của Chúa.
Nhưng xem ra thì “sự tiến bộ” của chúng ta đưa đến điều ngược lại. Khi tôi còn bé, chúng tôi được cho ra chơi ở con hẻm trước nhà, chơi với các trẻ hàng xóm. Bây giờ thì không. Khi trẻ ra khỏi cửa nhà là người ta đã cảm thấy không an toàn! Vì thế mà trẻ bị nhốt trong nhà với các trò chơi trên điện thoại di động! Nhưng rồi, ngay trên điện thoại, khi dùng internet trong nhà, chính người lớn cũng bị bao nhiêu thứ lừa đảo ở đó: mất tiền, vướng nợ...! Người ta rình rập để hãm hại nhau! Mà đó toàn là tâm địa của người lớn, trẻ nhỏ đâu có vậy, nhưng trẻ nhỏ lại “được giáo dục” để dần dần lớn lên cũng mang lấy tâm địa ấy của người lớn!!!
Nhưng phải chăng quang cảnh của núi thánh chỉ là một hoài niệm về một “thiên đường đã mất”? Không phải thế, quang cảnh ấy vừa là một thiên đường đã mất, nhưng với niềm tin Do Thái-Kitô Giáo, đó cũng là tương lai mà Thiên Chúa đang dẫn đưa nhân loại đi về. Kitô giáo không đưa ra một ảo mộng, một thiên đường không tưởng như một số lý thuyết chính trị, nhưng là một tầm nhìn và một hành động. Chính Thiên Chúa Nhập Thể đã đi vào lịch sử loài người để thực hiện điều đó, và con người được mời gọi tham gia cùng với Người cho tương lai ấy. Chúng ta không thất vọng về thực tại, bởi vì tin vào quyền năng Thiên Chúa. Chúng ta tin tưởng vào Thiên Chúa và cùng đi với Ngài trên lộ trình thực hiện điều đó.
“Anh em hãy đón nhận nhau, như Đức Kitô đã đón nhận anh em” (Rm 15,7).
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn