Khao khát và đói khát - Thứ Tư Tuần XXIII - Mùa Thường Niên

Khao khát và đói khát - Thứ Tư Tuần XXIII - Mùa Thường Niên

Khao khát và đói khát - Thứ Tư Tuần XXIII - Mùa Thường Niên

KHAO KHÁT VÀ ĐÓI KHÁT

Cl 3,1-11; Lc 6,20-26

Thứ Tư Tuần XXIII - Mùa Thường Niên, 13/09/2023

Khao khát và đói khát đều nói lên tình trạng thiếu thốn và muốn được đầy đủ hơn, nhưng khao khát thì nghiêng về tinh thần nhiều hơn, còn đói khát thì nghiêng về tình trạng vật chất nhiều hơn. Tuy nhiên, hai điều này lại có liên hệ với nhau chặt chẽ và nhiều khi người ta từ bên này chạy qua bên kia mà không biết.

Các mối phúc được trình bày hơi khác nhau giữa hai Tin Mừng Matthêô và Luca. Ngoài con số 8 mối phúc nơi Matthêô chỉ còn lại 4 mối phúc đồng thời thêm 4 lời tiếc than nơi Luca, thì cách trình bày những mối phúc tương đương cũng khác nhau giữa hai Tin Mừng này. Matthêô thì nghiêng về tinh thần nhiều hơn: “tâm hồn nghèo khó”, “khao khát điều công chính” “đau khổ”; còn Luca thì cụ thể hơn, có vẻ “vật chất” hơn: “nghèo khó”, “đói”, “khóc lóc”. Tuy bắt đầu với hai khởi điểm khác nhau, cả hai Tin Mừng đều đi đến những giá trị tinh thần từ Thiên Chúa.

Khi người ta dừng lại ở đói khát vật chất, người ta trở nên tham lam và sống trên cõi đời này chỉ lo tìm kiếm vật chất. Nhưng họ cũng không bao giờ thoả mãn. Ngay cả người giàu cũng có thể rơi vào tình trạng đói khát vật chất này.

Trường hợp khác, có những người khởi đầu với khao khát tinh thần, muốn phục vụ cho người khác về mặt tâm linh, nhưng thấy cần phải có cơ sở, phương tiện vật chất, nên đi tìm kiếm. Cuối cùng, họ bị cám dỗ dừng lại ở đó, tưởng rằng cung cấp cho người nghèo vật chất là công trạng lớn lao, có thể giải quyết tất cả. Từ khao khát, họ trở thành đói khát!

Khi người ta ý thức sự đói khát và khao khát của mình chỉ có thể thoả mãn nơi Thiên Chúa, chỉ có Thiên Chúa mới mang lại sự no thoả cho người ta, lúc đó người ta biết phân định, biết chọn lựa đúng đắn cho cách sống, cho cách dấn thân của mình.

LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn