Trong cuộc canh tân của một số hội dòng và các phong trào, khi nói đến hiến chương, quy luật, có hai khuynh hướng có vẻ đối nghịch nhau. Một bên cho rằng những quy định giản dị sẽ giúp người ta sống tự do theo Thánh Thần hơn; bên kia thì cho rằng quy định đơn giản sinh ra sự lỏng lẻo, lạm dụng. Thực ra, trong cả hai khuynh hướng đều có nguy cơ lạm dụng. Lợi dụng quy định lỏng lẻo để sống theo đam mê của mình, chứ không phải là sống theo Thánh Thần. Hoặc lạm dụng quy định chặt chẽ để tìm thấy sự an toàn, an tâm khi sống theo sát quy định, đưa đến nguy cơ của sự ươn lười không muốn suy nghĩ gì thêm, nguy cơ của sự sợ hãi không dám bước theo những gợi mở mới lạ do từ những gì đang xảy ra. Cả hai đều hiểu không đúng, không đủ về luật lệ và tập trung vào luật lệ cũng như vào bản thân mình.
Cũng chính vì tập trung vào Lề Luật, nên những người Do Thái cho rằng Đức Giêsu đến phá bỏ Lề Luật. Nhưng không đúng như vậy. Như Ngài nói, Ngài đến để hoàn tất Lề Luật (x. Mt 5,17). Điều này có nghĩa là gì?
Lề Luật và các tiên tri là cách nói chỉ về Cựu Ước. Tất cả đều đến từ Thiên Chúa và dẫn tới sự hoàn tất nơi Chúa Giêsu. Tin Mừng luôn chỉ cho thấy Ngài thực hiện điều này hay điều kia đã được các tiên tri nói trước. Cựu Ước không chỉ là luật lệ, nhưng là những hướng dẫn để đưa người ta đi vào tương giao với Thiên Chúa. Giao ước là thiết lập một tương giao. Chúa Giêsu đưa con người vào chiều sâu của các mối tương giao, chứ không dừng lại ở chữ viết, vì chỉ có chữ viết thì giết chết chứ không làm cho sống (x. 2Cr 3,7). Như thánh Phaolô nói: giao ước dựa vào Thánh Thần thì làm cho sống và để sống giao ước này, để có thể bước theo Thánh Thần, để có thể phụng vụ giao ước này, thì cần đến ơn Chúa, chứ không chỉ có cố gắng bản thân để tuân giữ luật lệ (x. 2Cr 3,5-6).
Để cho Thánh Thần dẫn bước thì mới có thể đi vào tương giao với Thiên Chúa và dấn thân cho tương giao với người khác. Vì thế, bước theo Thánh Thần thì không dừng lại ở sự an toàn hay thành tích của bản thân, nhưng đòi hỏi luôn mở ra, biết dò dẫm, dám phiêu lưu, liều lĩnh. Sống tương giao thì sinh động như vậy đó.
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn