Câu chuyện Chúa Giêsu đến chữa bệnh cho người nô lệ của viên quan Roma khiến chúng ta cảm thấy Ngài thật nhẹ nhàng, dễ dàng khi đến với những người ngoài Do Thái. Người Do Thái kiêng kị không đến nhà dân ngoại, cho rằng làm thế là bị nhơ uế; và chính viên sĩ quan Roma cũng biết thế, nên không dám trực tiếp đến gặp Đức Giêsu và không dám để Ngài vào nhà mình. Nhưng khi Đức Giêsu được mời đến nhà ấy để chữa bệnh, thì Ngài đi ngay.
Niềm tự hào là dân được Chúa chọn khiến cho họ nhiều khi kiêu hãnh và xem thường các dân khác, trong khi thực sự họ là dân nhỏ bé và liên tục ở dưới ách đô hộ của các nước khác. Nhưng họ đã hiểu không đúng về ý định của Thiên Chúa. Dân Do Thái được chọn theo nghĩa là dân trung gian, để từ đó, Thiên Chúa mở rộng ơn cứu độ ra cho mọi dân tộc.
“Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý. Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Kitô Giêsu, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người.” (1Tm 2,4-6)
Đức Giêsu Kitô thực hiện vai trò trung gian của Ngài bằng cách, từ là Ngôi Lời Thiên Chúa, Ngài đã làm người để có thể tự hiến thân cho con người. Trung gian theo cách của Thiên Chúa không phải là được tôn lên, không phải là tách biệt và loại trừ người khác.
Ơn gọi kitô hữu, ơn gọi cho đời sống thánh hiến cũng thế, không phải là thành phần ưu tú, tách biệt và đóng lại trước tha nhân. Được gọi là để hạ mình xuống phục vụ và luôn mở ra cho mọi người.
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn