Bắt đầu vào Mùa phụng vụ Thường Niên, phụng vụ cho nghe lời rao giảng đầu tiên của Đức Giêsu trong sứ vụ công khai của Ngài: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1,15).
Những lời tương tự được ghi lại trong Tin Mừng Matthêô: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” (Mt 4,17). Ông Matthêô ghi một lời tương tự của ông Gioan Tiền Hô trước đó: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần." (Mt 3,2). Như vậy, lời trong Tin Mừng Marcô xem ra có nét riêng khá hay vì sẽ tìm thấy như tiếng dội ở thư Hipri sau này: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.” (Hr 1,1-2), Như vậy, “thời kỳ đã mãn” là thời các tiên tri (ngôn sứ) đã qua và triều đại Thiên Chúa nay đã đến với Đức Giêsu Kitô.
Điểm đặc sắc của ghi chép nơi Tin Mừng Marcô còn là: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (1,15). Sám hối ở đây không chỉ là ăn năn vì tội lỗi mình đã phạm, nhưng còn là thay đổi cách suy nghĩ, cách nhìn, tâm hồn.
Từ ngữ Hy Lạp “metanoeó” do từ “meta” nghĩa là ở bên kia (beyond) hoặc phía đàng sau (after), và “noeo” nghĩa là suy nghĩ (think) hoặc nhận thức (perceive). Như vậy từ ngữ mà người ta dịch là “sám hối” có nghĩa là suy nghĩ một cách khác, là thay đổi con tim, và thay đổi ấy lấy chuẩn là Tin Mừng, là sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô. Đây mới là mấu chốt của vấn đề chứ không dừng lại ở việc ăn năn vì lỗi phạm đến một số luật lệ nào đó.
Như vậy, lời rao giảng đầu tiên và là căn bản cho mọi lời khác của Đức Giêsu sau này đó là trở thành môn đệ của Thầy Giêsu vì Thiên Chúa “phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Hr 1,2), là tập suy nghĩ và yêu mến như Đức Giêsu Kitô trong mọi tình huống của cuộc sống. Nhưng thực sự đây cũng là chỗ khúc mắc chính yếu của các kitô hữu, bởi vì họ vẫn nghĩ và cảm xúc theo cung cách của Cựu Ước hoặc của thế gian! Như vậy, lời mời gọi “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1,15) vẫn mang tính thời sự và hiện sinh cho những bối cảnh cụ thể của mỗi kitô hữu hôm nay.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn