Bản văn quen thuộc ghi thời điểm xảy ra chuyện các môn đệ bứt bông lúa là “một ngày Sabát” (Lc 6,1). Tuy nhiên, có nhiều bản văn khác ghi là “ngày Sabát thứ hai tháng thứ nhất”. Điều này có nghĩa là thời điểm gặt lúa đã gần. Và như vậy, theo luật thì người ta không được bứt bông lúa, dành lúa đầu mùa để dâng kính Thiên Chúa (x. Lv 23,14). Vậy thì đó là biểu hiện của lòng tôn kính Thiên Chúa đáng được tuân giữ. Thế thì tại sao Chúa Giêsu lại bảo vệ hành động không hay của các môn đệ mình?!
Có lẽ Chúa Giêsu không bảo vệ các môn đệ cho bằng Người nhân cơ hội ấy để đưa người ta đến một điều xa hơn rất nhiều khi nói: “Con Người làm chủ ngày Sabát” (Lc 6,5). Từ ngữ “chủ” (lord) có khi được dịch là “Chúa” (Lord). Tác giả Tin Mừng thứ ba nhìn từ nhãn quan của mầu nhiệm Phục Sinh nên nhiều phen gọi Đức Giêsu là Chúa trong Tin Mừng của ông. Đức Giêsu được Thiên Chúa cho sống lại và được tôn vinh làm Chúa bên cạnh Chúa Cha. Có lẽ ở đây tác giả Tin Mừng nhắm đến điều này. Đức Giêsu đưa việc tôn kính Thiên Chúa qua hành vi dâng bó lúa đầu mùa đến thái độ nhìn nhận Đức Giêsu như là Đấng được Chúa Cha sai đến, nhìn nhận Người chính là Thiên Chúa. Đó là hành vi tôn kính Thiên Chúa đích thực.
Thư Côlôsê ghi bài ca tụng Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa hiện diện trong công trình tạo dựng, là Đấng duy trì sự hiện hữu của muôn loài, là thủ lãnh của người sống và người chết, là Đấng hoà giải muôn loài với Thiên Chúa. Như vậy, “trong mọi sự Người đứng hàng đầu” (Cl 1,19; xem thêm Cl 1,15-20).
Niềm tin Chúa Giêsu Kitô là khởi nguồn, là sự tồn tại và là cùng đích mọi sự, khiến kitô hữu tin tưởng khi sống Lời Người, vì Lời ấy đưa họ đến sự thành toàn của đời người.
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn