Thư thứ nhất của thánh Gioan viết vào cuối thế kỷ I, lúc mà cộng đoàn kitô hữu đang gặp vấn nạn về niềm tin vào Ngôi Lời Nhập Thể. Thành phần mà tác giả gọi là “Phản Kitô”, đó là những người không tin rằng Thiên Chúa có thể mang lấy thân xác con người. Bị ảnh hưởng của triết học Hy Lạp đề cao tinh thần và xem thường vật chất, họ không thể chấp nhận được một vị Thiên Chúa mang lấy thân xác con người là thứ thấp hèn. Thời ấy, khuynh hướng nhị nguyên ảnh hưởng mạnh, là khuynh hướng chủ trương có hai nguyên lý tốt và xấu ngang nhau, hai vị thần lành và dữ luôn chiến đấu với nhau, và thân xác thuộc về thần dữ, nên thân xác xấu xa, yếu đuối, thấp hèn! Do đó, đời sống trong thân xác là xấu, đời sống trần thế là cuộc sống bị lưu đày, chỉ sống tạm, mong ra khỏi thân xác để về thiên đàng! Khuynh hướng ấy nổi lên giữa cộng đoàn kitô hữu và tác giả gọi họ là “Phản Kitô”!
Vậy thì đời người là thiêng hay tục? Cùng tác giả trên, khi viết Tin Mừng Thứ Tư, ông cho thấy Đức Kitô là Ngôi Lời Thiên Chúa đồng thời cũng là con người: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Cũng chính Ngôi Lời đã cộng tác với Chúa Cha để làm nên vạn vật. Như vậy, Chúa Kitô là Ngôi Lời Thiên Chúa mang lấy thân xác con người, và vạn vật, cách riêng là con người đều do từ Thiên Chúa dựng nên, vì thế đời người là thiêng thánh. Nhưng cũng như Đức Kitô vừa thuộc về Thiên Chúa vừa thuộc thế thế giới con người, thì loài người vừa được dựng nên trong thế giới vật chất này vừa xuất phát từ Thiên Chúa và đang đi về với Thiên Chúa, nên đời người vừa mang tính trần thế vừa mang tính thánh thiêng. Coi đời sống trần thế là tất cả, là tận cùng, để rồi tìm mọi cách thoả mãn những đam mê chóng qua, là đang tục hoá cuộc sống của mình và của người chung quanh. Ngược lại, xem thường cuộc sống trần thế là xem thường tính chất thiêng thánh của nó.
Chúa đã làm người. Vậy tôi hãy sống đời người cách trân quý và đưa cuộc đời này đi về sự hoàn tất của nó nơi Thiên Chúa. Trân quý cuộc sống của người chung quanh, để cùng với họ sống tính thiêng thánh của cuộc đời này và đi về sự hoàn tất cùng với nhau, vì Thiên Chúa đặt chúng ta trong mối tương giao chặt chẽ.
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn