Thử đặt mình làm Chúa để nghe những lời “lạy Chúa, lạy Chúa” giả hình, chỉ dừng lại ở môi mép, chắc chúng ta cũng không khỏi lấy làm khó chịu. Đây là kinh nghiệm mà chúng ta có thể trải qua trong đời sống hàng ngày khi nghe những lời hoa mỹ, mà biết rằng lòng người nói thì nghĩ ngược lại. Chúa Giêsu cũng có lần nói dụ ngôn về hai người con, một đứa vâng vâng dạ dạ nhưng không làm theo lời cha, còn đứa kia thì tuy có từ chối trước nó, nhưng nó hối hận vì hiểu lòng cha, và làm theo ý cha. Người cha hài lòng với đứa con thứ hai hơn.
Xã hội hôm nay có nhiều nguy cơ về tình trạng môi mép, giả hình này. Càng ngày người ta nói càng nhiều, có điều kiện để lan truyền những lời “có cánh”, có nhiều phương tiện truyền thông để phô diễn những bên ngoài, quảng cáo ngày càng hấp dẫn..., nhưng để thực hiện những điều đó, để làm cho chúng trở thành hiện thực, thì quả là một thách thức lớn. Tệ hơn nữa là người ta không cảm thấy đó là thách thức, vì người ta không có ý định thực hiện nó. Chỉ nhắm đến môi mép để trục lợi thôi!
Cần hiểu được lòng Chúa, hiểu thao thức của Chúa, thì mới đi vào tương quan thực sự với Thiên Chúa được. Thái độ này cũng cần trong tương quan với nhau. Nếu chỉ bận tâm đến mình, đến ý muốn của mình, thì không thể hiểu và đi vào tâm tư của Chúa và của nhau được. Chính cái tôi ích kỷ, đóng kín nơi chính mình, muốn khẳng định ảnh hưởng của mình trên người khác, làm cho tôi không thể đi vào tương quan thực sự và sâu xa với nhau được!
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn