Bà Priskila và chồng là Aquila nghe ông Apôllô giảng về Đức Giêsu liền mời ông này về nhà và giải thích thêm cho ông về Ngài. Ông Apôllô lắng nghe, học hỏi và muốn đến các nơi để nói về Đức Giêsu Kitô cho những người khác nữa! Lòng nhiệt thành của 3 người này thật đáng quý. Biết tới đâu thì nói tới đó với lòng nhiệt huyết. Bên cạnh đó, có một điều đáng quý trọng nữa là họ sống thân tình với nhau. Ông Apôllô hòa nhập vào cộng đoàn kitô hữu ở đó cách thân tình. Họ coi nhau như anh chị em. Khi ông Apôllô muốn đến Akhaia để rao giảng, “các anh em khuyến khích ông và viết thư xin các môn đệ tiếp đón ông” (Cv 18,27). Các tín hữu nói chung được gọi là môn đệ. Các tín hữu trong cùng cộng đoàn coi nhau là anh chị em. Và họ đón tiếp nhau.
Sự thân tình cũng được diễn tả giữa Đức Giêsu và các môn đệ trong bữa ăn sau cùng: Đức Giêsu coi các ông là bạn hữu, nói cho họ rõ ràng về Chúa Cha, và cho biết Chúa Cha yêu mến họ như yêu quý Đức Giêsu...
Theo đạo không chỉ là có một số kiến thức và tin vào một số điều nào đó, không chỉ là thực hành một số quy định nào đó, nhưng còn là đi vào những mối tương giao. Và đây mới là điều chính yếu, điều mang lại sự sống. Sách Công Vụ gọi các tín hữu là những người theo “Con Đường” (theo Đạo/ the Way) và cho thấy chính Đức Giêsu là Con Đường đưa đến Chúa Cha. Như vậy là kitô hữu nghĩa là đi vào một mối tương giao với Thiên Chúa là Cha, và do đó, cũng đi vào tương giao với nhau như là anh chị em. Cần sống sự thân tình của các mối tương giao này, và đó mới là con đường đưa đến sự sống mới.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn