"ĐẠO" THỰC DỤNG - Bài 4: Vận mạng con người là gặp gỡ trong yêu thương - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn

"ĐẠO" THỰC DỤNG - Bài 4: Vận mạng con người là gặp gỡ trong yêu thương - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn

"ĐẠO" THỰC DỤNG - Bài 4: Vận mạng con người là gặp gỡ trong yêu thương - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn

Bài 4: Vận mạng con người là gặp gỡ trong yêu thương

1. Vận mạng con người

Con người được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa, đó là con người được mời gọi thể hiện vận mạng của mình trong sự gặp gỡ, yêu thương giữa con người với nhau và với chính Chúa. Công Đồng Vatican II đã khẳng định điều đó như sau:

“Vậy con người là gì ? Con người đã và còn đang đưa ra nhiều quan niệm về chính mình, nhưng quan niệm khác nhau và đôi khi trái ngược nhau. Theo những quan niệm đó, thường con người tán dương mình như một mẫu mực tuyệt đối hay lại chê bai đến độ tuyệt vọng, từ đó con người hoài nghi và lo lắng. Thông cảm sâu xa được những khó khăn này, Giáo Hội, vì được Thiên Chúa là Đấng mạc khải dạy dỗ, có thể đem lại câu giải đáp cho những khó khăn ấy, nhờ đó diễn tả được thân phận đích thực của con người, giải bày những yếu hèn, đồng thời có thể nhìn nhận xác đáng phẩm giá và thiên chức của con người.

Thực vậy, Thánh Kinh dạy rằng con người đã được tạo dựng ‘theo hình ảnh của Thiên Chúa’ có khả năng nhận biết và yêu mến Đấng Tạo Dựng mình, được Ngài đặt làm chủ mọi tạo vật trên trái đất để cai trị và sử dụng chúng mà ngợi khen Thiên Chúa, vì ‘thế nhân là chi để Ngài nhớ đến? Hay con người là gì để Ngài phải bận tâm ? So với thiên thần Ngài có để cho thua mấy tí. Vinh dự huy hoàng là triều thiên Ngài ban tặng. Ngài cho thống trị các kiệt tác tay Ngài làm, muôn sự Ngài đã đặt dưới chân’ [Tv 8,5-7].

Nhưng Thiên Chúa đã không dựng nên con người cô độc; bởi vì từ khởi thủy ‘Ngài đã tạo dựng có nam và có nữ’ [Stk 1,2-7]. Sự liên kết giữa họ đã tạo nên một thứ cộng đoàn đầu tiên giữa người với người. Thực vậy, tự bản tính thâm sâu của mình, con người là một hữu thể có xã hội tính và nếu không liên lạc với những người khác con người sẽ không thể sống và phát triển tài năng mình” [MV 12,b,c].

Như thế, phẩm chất người, một cách chính yếu, không tùy thuộc vào khả năng của lý trí để thống trị muôn vật, nhưng nằm trong những thái độ của con người đối với Chúa và với nhau. Nói cách khác, “Thiên Chúa là tình yêu” [1 Ga 4,8b], nên con người được sáng tạo nên giống Chúa cũng không thể là gì khác hơn tình yêu. Do đó mà tất cả giới răn của Chúa cũng chỉ tóm lại trong giới răn “Mến Chúa yêu người“ [xc. Mt 22,34-40], và như thánh Phaolô nói “yêu thương thì chu toàn Lề Luật vậy” [Rm 13,10b], Thánh Gioan nói “Ai yêu thương anh em mình thì ở lại trong ánh sáng” [1 Ga 2,10], và ngược lại “Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa” [1 Ga 4,8a].

Tất cả những điều đó cũng là lời khẳng định của Thánh Kinh về bình diện phẩm giá của con người, mà từ đó ta có thể xác định được khía cạnh tương quan ngôi vị như một nét căn bản.

2. Hành trình gặp gỡ

Mối tương quan ngôi vị bao hàm ý nghĩa là : sống là sống như một chủ thể đối diện với một chủ thể khác; và khi con người thiết lập nên được mối tương quan chân chính với ngôi vị khác, mối tương quan yêu thương chân chính, nghĩa là, người này với người kia, phải biết khẩn cầu nhau như một chủ thể độc đáo không thể thay thế, thì khi ấy, vận mang con người mới được hoàn thành. Triết Gia Gabriel Marcel [1889-1973] cho ta một vài “tiêu chuẩn” như sau:

- Chỉ có sự gặp gỡ của hai chủ thể chứ không có sự gặp gỡ giữ chủ thể và đối tượng. Như thế ta chỉ đạt đến tha nhân nhờ kinh nghiệm chứ không bằng tư tưởng. Sự gặp gỡ chân thực khi coi tha nhân như một “anh/chị” [ngôi thứ hai] chứ không phải một “hắn” [ngôi thứ ba]. Hơn nữa, với một chủ thể ta phải biết chờ đợi và hy vọng chứ không phải thái độ xăm soi khám phá.

- Như thế, sự gặp gỡ chân chính bao giờ cũng phải là một sự dấn thân, tức là đưa chính bản thân mình vào mối tương quan như một cuộc phiêu lưu. Một cuộc dấn thân như thế chỉ có thể là dấn thân cho tha nhân mà thôi, không bao giờ là sự dấn thân cho sự vật. Một sự dấn thân chỉ vì lý tưởng của chính bản thân mình mà thôi cũng vẫn không thể đạt đến sự gặp gỡ đích thực.

- Cuối cùng, thái độ dấn thân ấy đưa đến thái độ truy nhận tầm quan của tha nhân đối với bản thân mình. Thái độ ấy bao hàm một sự khẩn cầu đối với tha nhân, và chỉ có thái độ khẩn cầu mới mở đường cho tình yêu đích thực; bởi vì tình yêu bao giờ cũng là một sự bổ túc nhân vị cho nhau chứ không phải chiếm hữu, thống trị hay chỉ là một sự phát triển bản thân mà thôi. Khi đó, ta tìm thấy cái chúng ta như chân trời rộng mở cho hữu thể của mình.

Không có cách nào khác, hành trình của đời người phải là hành trình dấn thân, nghĩa là đi vào cuộc phiêu lưu với những chủ thể khác. Chính trong hành trình ấy, cùng với niềm trân trọng, với thái độ khẩn cầu tha nhân, con người tìm gặp được chính mình.